Trong những năm gần đây, cụm từ “quỹ đầu tư” được nhắc đến ngày càng nhiều trên thị trường tài chính Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư tham gia quỹ như một kênh đầu tư hiệu quả và an toàn để tiết kiệm tiền.

Gửi tiết kiệm, chứng khoán, bất động sản,… là các kênh phổ biến được nhiều nhà đầu tư lựa chọn hiện nay. Tuy nhiên, các hình thức này đều đòi hỏi nhà đầu tư phải có kinh nghiệm, hiểu biết và nguồn vốn dồi dào. 

Với những điều kiện này, tất nhiên, không phải ai nào cũng đáp ứng được. Thế nhưng, sự xuất hiện của hàng loạt quỹ đầu tư được vận hành bởi các công ty quản lý quỹ đã tạo ra nhiều cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư mới.

>> Xem thêm: Các kênh đầu tư cá nhân sinh lời HOT nhất 2019

1. Quỹ đầu tư là gì?

Là một định chế tài chính trung gian phi ngân hàng, thu hút tiền nhàn rỗi từ nhiều nguồn khác nhau để đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ hay các loại tài sản khác. Tất cả các khoản đầu tư này đều được quản lý chuyên nghiệp, chặt chẽ bởi công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát và cơ quan thẩm quyền khác.

Nhiều người thường nhầm lẫn giữa công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư. Thực tế, xét về chức năng, công ty quản lý quỹ là đơn vị quản lý các quỹ đầu tư. Trong đó, quỹ đầu tư được xem như sản phẩm dịch vụ mà công ty quản lý quỹ cung cấp cho nhà đầu tư.

2. Vì sao nhà đầu tư lựa chọn tham gia quỹ?

Đầu tư tài chính đòi hỏi rất nhiều năng lực chuyên môn, kiến thức thị trường, đặc biệt là yếu tố thời gian. Ngoài ra, với một số loại hình như trái phiếu, bộ chỉ số,… sẽ rất khó để tự thực hiện được. 

Vì vậy, nhiều cá nhân quyết định lựa chọn quỹ đầu tư bởi 6 yếu tố sau:

  • Giảm thiểu rủi ro nhờ đa dạng hóa danh mục đầu tư.
  • Tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu về lợi nhuận.
  • Được quản lý chuyên nghiệp.
  • Giám sát bởi các cơ quan có thẩm quyền.
  • Tính năng động của đầu tư.
  • Tham gia đầu tư các sản phẩm đặc thù như trái phiếu, quỹ hoán đổi danh mục,…
đầu tư
Ảnh minh họa – Đầu tư tài chính đòi hỏi nhiều năng lực chuyên môn

>> Xem thêm: Hướng dẫn cách kiếm tiền hiệu quả cho các nhà đầu tư mới

3. Chứng chỉ quỹ đầu tư

Khi tham gia quỹ, nhà đầu tư sẽ sở hữu một phần trong tổng danh mục đầu tư của quỹ. Việc nắm giữ này được thể hiện thông qua việc sở hữu các chứng chỉ quỹ đầu tư (CCQ).

Để thành lập quỹ, công ty quản lý quỹ phải phát hành CCQ. Đây được coi là một loại cổ phiếu và có những đặc điểm của cổ phiếu. 

Giống nhau:

  • Xác nhận quyền sở hữu.
  • Hưởng lợi nhuận trên vốn góp.
  • Được niêm yết trên thị trường chứng khoán (tùy vào đặc điểm của quỹ).

Khác nhau:

  • Nhà đầu tư không có quyền biểu quyết hay sở hữu công ty quản lý quỹ.
  • Mọi quyết định sẽ do công ty quản lý quỹ đảm trách.

Tính hấp dẫn của CCQ nằm ở độ an toàn và tiết kiệm thời gian hơn nhiều so với việc tự mua bán cổ phiếu. Bởi nhà đầu tư đã có một bộ máy công ty gồm các chuyên gia thực hiện việc đầu tư cho họ. 

Nhà đầu tư chỉ cần tập trung làm các công việc chuyên môn của mình. Sau đó tận hưởng thành quả từ việc nắm giữ CCQ.

Ngoài ra, thời gian quay vòng vốn và hiệu quả đầu tư cũng khiến CCQ hấp dẫn so với các kênh như vàng, bất động sản, gửi tiết kiệm,… 

4. Phân loại các quỹ đầu tư

Dựa theo các tiêu chí phân loại khác nhau, có nhiều loại hình quỹ đầu tư như quỹ đóng, quỹ mở,…

4.1. Căn cứ vào nguồn huy động vốn

Quỹ tập thể (quỹ công chúng)

Là quỹ huy động vốn bằng cách phát hành rộng rãi ra công chúng. Nhà đầu tư có thể là cá nhân hay pháp nhân, nhưng đa phần là các nhà đầu tư riêng lẻ. 

Nó cung cấp phương tiện đầu tư đảm bảo đa dạng hóa đầu tư. Đồng thời, giảm thiểu rủi ro và chi phí thấp với hiệu quả cao do tính chuyên nghiệp của đầu tư mang lại.

>> Xem thêm: 5 bước đầu tư tài chính cho dân công sở mới nhất 2019

Quỹ cá nhân (quỹ thành viên)

Quỹ cá nhân được huy động vốn bằng phương thức phát hành riêng lẻ cho một nhóm nhỏ các nhà đầu tư. Có thể được lựa chọn trước. Là các cá nhân hay các định chế tài chính hoặc các tập đoàn kinh tế lớn. 

Do vậy, tính thanh khoản của quỹ cá nhân sẽ thấp hơn quỹ tập thể.

Các nhà đầu tư ở quỹ này thường có lượng vốn lớn. Đổi lại, họ có thể tham gia vào việc kiểm soát đầu tư của quỹ.

đầu tư
Ảnh minh họa – Tính thanh khoản của quỹ cá nhân thấp hơn quỹ tập thể

4.2. Căn cứ vào cấu trúc vận động vốn

Quỹ đóng

Đây là hình thức quỹ phát hành chứng chỉ quỹ một lần duy nhất khi tiến hành huy động vốn cho quỹ. Quỹ không thực hiện việc mua lại cổ phiếu/chứng chỉ đầu tư khi nhà đầu tư có nhu cầu bán lại. 

Nhằm tạo tính thanh khoản cho loại quỹ này, sau khi kết thúc việc huy động vốn (hay đóng quỹ), các chứng chỉ quỹ sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Các nhà đầu tư có thể mua hoặc bán để thu hồi vốn đầu tư của mình thông qua thị trường thứ cấp. Chứng chỉ quỹ có thể được giao dịch thấp hoặc cao hơn giá trị tài sản ròng của quỹ (NAV).

NAV/Đơn vị quỹ = (Tổng giá trị thị trường của tài sản của quỹ – Tổng nợ của quỹ) : Tổng số đơn vị quỹ đang lưu hành của quỹ

Giao dịch mua/bán chứng chỉ quỹ:

  • Quỹ đóng chỉ huy động vốn từ nhà đầu tư trong một giai đoạn phát hành, hoặc có thể tăng vốn theo thời điểm khác nhau.
  • Công ty quản lý quỹ chỉ giao dịch trực tiếp với nhà đầu tư trong thời gian huy động vốn và khi quỹ giải thể do hết thời hạn hoạt động.
  • Quỹ đóng được niêm yết và giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán.
  • Nhà đầu tư sử dụng các giao dịch CCQ như một chứng khoán niêm yết thông qua sàn giao dịch.

Giá giao dịch:

  • Giá giao dịch mua/bán CCQ hàng ngày dựa trên giá thị trường, phụ thuộc vào lượng cung cầu thị trường.
  • Giá trị này có thể lớn hoặc nhỏ hơn giá trị NAV của quỹ.
  • Giá trị NAV phản ánh hiệu quả đầu tư nhưng chỉ mang tính tham khảo.
  • Nhà đầu tư trả phí giao dịch chứng khoán cho công ty chứng khoán.

Phân phối:

  • Việc phân phối CCQ chỉ thực hiện trong thời gian huy động lần đầu, hoặc khi tăng vốn điều lệ quỹ thông qua công ty chứng khoán hoặc công ty quản lý quỹ.

Quỹ mở

Là quỹ được thành lập với thời gian vô hạn. Sau đợt phát hành lần đầu ra công chúng, giao dịch mua/bán của nhà đầu tư được thực hiện định kỳ căn cứ vào giá trị tài sản ròng (NAV). Giao dịch này được thực hiện trực tiếp với công ty quản lý quỹ hoặc tại các đại lý chỉ định.

Khác với quỹ đóng, tổng vốn của quỹ mở biến động theo từng đợt giao dịch. Do tính chất đặc thù của nó: nhà đầu tư được quyền bán lại chứng chỉ quỹ đầu tư cho quỹ. Và quỹ phải mua lại các chứng chỉ theo giá trị ròng vào thời điểm giao dịch. 

Đối với hình thức quỹ này, các giao dịch mua/bán CCQ được thực hiện trực tiếp với công ty quản lý quỹ. Đồng thời, các CCQ không được niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Cách tốt nhất để gia tăng tài sản là tìm kiếm cơ hội đầu tư

Giao dịch mua/chuyển đổi/bán CCQ:

  • Quỹ mở được huy động vốn liên tục trong quá trình hoạt động. Nhà đầu tư có thể thực hiện việc mua/bán vào thời điểm định kỳ với công ty quản lý quỹ.
  • Nhà đầu tư có thể thực hiện việc chuyển đổi giữa các quỹ khác nhau cùng công ty quản lý quỹ.
  • Quỹ mở không niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
  • Công ty quản lý quỹ phải cân bằng giữa tỷ lệ tiền mặt phù hợp và đảm bảo tính thanh khoản khi nhà đầu tư muốn rút vốn.
  • Quy trình quản lý quỹ phức tạp hơn vì luồng tiền được ra/vào thường xuyên. Thời điểm nhà đầu tư nộp tiền/rút vốn có thể ảnh hưởng đến kết quả đầu tư của quỹ.

Giá giao dịch:

  • Giao dịch mua/bán CCQ căn cứ vào giá trị NAV của quỹ tại thời điểm giao dịch.
  • Không có chiết khấu giữa giá giao dịch và giá trị NAV.
  • Nhà đầu tư phải trả phí phát hành/phí mua lại/phí chuyển đổi cho công ty quản lý quỹ khi thực hiện giao dịch.

Phân phối:

  • CCQ được phân phối liên tục tại các đại lý phân phối như công ty chứng khoán, ngân hàng, công ty quản lý quỹ,…

4.3. Căn cứ vào cơ cấu tổ chức và hoạt động của vốn

Quỹ dạng công ty

Trong mô hình này, quỹ đầu tư là một pháp nhân. Tức là một công ty được hình thành theo quy định của pháp luật từng nước. Cơ quan điều hành cao nhất của quỹ là hội đồng quản trị do các cổ đông (nhà đầu tư) bầu ra.

Nhiệm vụ chính của hội đồng quản trị là:

  • Quản lý toàn bộ hoạt động của quỹ.
  • Lựa chọn công ty quản lý quỹ.
  • Giám sát hoạt động đầu tư của công ty quản lý quỹ.
  • Có quyền thay đổi công ty quản lý quỹ. 

Trong mô hình này, công ty quản lý quỹ hoạt động như một nhà tư vấn đầu tư. Chịu trách nhiệm tiến hành phân tích đầu tư, quản lý danh mục đầu tư và thực hiện các công việc quản trị kinh doanh khác. 

Hiện mô hình này chưa xuất hiện tại Việt Nam. Bởi theo quy định của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, quỹ đầu tư không có tư cách pháp nhân.

quỹ
Ảnh minh họa – Cơ quan điều hành cao nhất của quỹ là hội đồng quản trị

Quỹ dạng hợp đồng

Đây là mô hình quỹ tín thác đầu tư. Ở mô hình này, quỹ đầu tư không phải là pháp nhân. 

Công ty quản lý quỹ đứng ra thành lập quỹ. Sau đó tiến hành việc huy động vốn, thực hiện đầu tư theo những mục tiêu đã đề ra trong điều lệ. Bên cạnh đó, ngân hàng giám sát có vai trò bảo quản vốn và các tài sản của quỹ. 

Quan hệ giữa công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát được thể hiện bằng hợp đồng giám sát. Trong đó quy định quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên trong việc thực hiện và giám sát việc đầu tư để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư. 

Nhà đầu tư là những người góp vốn vào quỹ (nhưng không phải là cổ đông như mô hình quỹ dạng công ty). Họ ủy thác việc đầu tư cho công ty quản lý quỹ để đảm bảo khả năng sinh lợi cao nhất từ khoản vốn đóng góp của mình.

5. Đối tượng tham gia quỹ

Phù hợp với tất cả các đối tượng, không phân biệt độ tuổi, giới tính, cá nhân hay tổ chức. 

Chẳng hạn như:

  • Đối tượng đang tìm kiếm một kênh đầu tư mới (ngoài gửi tiết kiệm ngân hàng, đầu tư bất động sản…) để ổn định và tăng trưởng nguồn thu nhập.
  • Những người có khả năng tài chính vừa phải. Hạn chế về thời gian và nguồn lực để có thể tự đầu tư hiệu quả vào thị trường tài chính.
  • Các doanh nghiệp xây dựng chương trình phúc lợi tiết kiệm dài hạn, hưu trí cho nhân viên. Mục đích: thu hút và lưu giữ nhân tài hoặc đa dạng hóa danh mục đầu tư của doanh nghiệp.

Đặc biệt, với những người không chuyên và vốn nhỏ, đây là một kênh sinh lợi nhuận tốt, ít rủi ro nếu lựa chọn đúng quỹ uy tín.

quỹ
Ảnh minh họa – Mọi đối tượng đều có thể tham gia quỹ

6. Thế nào là một quỹ đầu tư uy tín?

6.1. Các yếu tố về phong cách đầu tư

Phong cách đầu tư rất quan trọng khi lựa chọn quỹ. Trong khi mọi người thường chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà xem nhẹ sự cân bằng hiệu quả giữa rủi ro và lợi nhuận.

Điều này được so sánh thông qua chỉ số hiệu quả quản lý (ER). Trong đó, lấy lợi nhuận thường niên chia cho tỷ lệ rủi ro hàng năm. Chỉ số ER càng cao, chứng tỏ hoạt động của công ty càng hiệu quả.

Một quỹ uy tín sẽ cân bằng lệnh mua và bán ở mức an toàn. Tỷ lệ chấp nhận rủi ro lý tưởng bình quân là 1/5 số tiền của nhà đầu tư trong quỹ này có khả năng bị lỗ. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mức 100% có khả năng lỗ theo lý thuyết trong chỉ số S&P 500.

6.2. Lịch sử tốt về lợi nhuận và quản trị rủi ro

Những dữ liệu phản ánh năng lực của người quản lý trong việc quản lý một cách có hiệu quả các loại tài sản, sao cho quỹ thu lại được lợi nhuận, giảm rủi ro nhiều nhất có thể. Tỷ lệ thua lỗ nằm trong giới hạn cho phép. 

Ngoài ra, các báo cáo về kết quả hoạt động đầu tư của quỹ nên được kiểm soát 1 lần/năm để tránh gian lận.

Nên xem xét lịch sử lợi nhuận của quỹ trong thời gian dài. Có thể xem theo năm, theo quý và theo tháng. Từ đó mới có thể đánh giá một cách khách quan lịch sử đầu tư của quỹ này có thực sự tốt hay không. 

Nếu tỷ suất sinh lời khoảng 200%/năm nhưng tỷ lệ thua lỗ là 123%, bạn không nên bỏ tiền vào quỹ này.

6.3. Sự tương thích giữa quy mô của quỹ và hình thức đầu tư

Mỗi quỹ đều có một thế mạnh riêng. Ví dụ một quỹ đầu tư cổ phiếu chỉ nên đa dạng danh mục đầu tư của mình bằng các cổ phiếu của các doanh nghiệp có tiềm năng và hoạt động kinh doanh tốt. Không nên có những hạng mục đầu tư khác như trái phiếu, tiền tệ,…

Nếu quỹ chuyên môn hóa lĩnh vực đầu tư của mình, tỷ lệ thành công sẽ cao hơn so với các quỹ không chuyên.

đầu tư
Ảnh minh họa – Quỹ uy tín sẽ cân bằng lệnh mua và bán ở mức an toàn

6.4. Cơ cấu quản lý

Hồ sơ đánh giá việc điều hành quỹ dài hạn là xem xét cơ cấu tổ chức và quản lý của quỹ đó. Chẳng hạn như ban lãnh đạo, đội ngũ chuyên gia, đội ngũ phân tích và hỗ trợ. Nhằm đảm bảo rằng tiền của nhà đầu tư đang được giao cho một nhà quản lý chuyên nghiệp.

Thông thường, hồ sơ đánh giá việc điều hành quỹ dài hạn của một nhà quản lý tốt nhất là qua 10 năm. Do đó, sự tương ứng giữa nhiệm kỳ quản lý và chất lượng hoạt động của quỹ qua một khoảng thời gian nhất định rất quan trọng.

6.5. Lợi nhuận xoay vòng thấp

Với bất cứ quỹ nào, lợi nhuận xoay vòng chỉ nên ở mức càng thấp càng tốt. Bởi số tiền hoa hồng trích ra cho các giao dịch càng được giảm xuống mà số tiền này không được tính vào các tỉ lệ về chi tiêu của quỹ.

6.6. Cảnh giác về các loại chi phí

Chất lượng của quỹ càng tốt, các loại chi phí doanh thu, marketing và phân phối càng ít. Dẫn đến tỷ số lợi nhuận xoay vòng và mức chi phí cũng sẽ thấp hơn. 

Các quỹ có mức chi phí thấp thường hoạt động tốt hơn các quỹ có chi phí ở mức cao.

6.7. Mức tổng lợi nhuận cạnh tranh

Tổng lợi nhuận của quỹ được chứng minh bằng hiệu quả hoạt động tích cực. Lợi nhuận của quỹ này sẽ so sánh với các quỹ khác. Hoặc so với mức chuẩn của hình thức đầu tư mà quỹ đó chọn.

đầu tư
Ảnh minh họa – Tổng lợi nhuận được chứng minh bằng hiệu quả hoạt động tích cực

6.8. Các báo cáo phân tích minh bạch

Những nhận xét mang tính phân tích của các chuyên gia là thông tin quan trọng để đánh giá chất lượng của các quỹ. Một quỹ chuyên nghiệp cần có đầy đủ các bộ phận từ chuyên gia đến giao dịch viên.

Họ sẽ đưa ra các dự báo và báo cáo phân tích thị trường công khai trên trang web. Hoặc gửi email cho các nhà đầu tư thường xuyên. 

Nhờ vậy, nhà đầu tư sẽ được học hỏi cách mà nhà giao dịch chuyên nghiệp phân tích thị trường. Đồng thời nắm bắt được xu thế của thị trường.

Tham gia quỹ đang là xu hướng được nhiều nhà đầu tư mới lựa chọn hiện nay. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, cần tính toán kỹ lưỡng để giảm thiểu tối đa rủi ro.

Hi vọng với những thông tin cơ bản mà Money Lover cung cấp, bạn sẽ có quyết định đúng đắn khi lựa chọn quỹ đầu tư.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây