Khi còn trẻ, bạn thường trì hoãn việc kiểm tra và đánh giá tình hình tài chính của bản thân. Chính điều đó khiến bạn gặp khó khăn trong việc duy trì tài chính ổn định.

1. Định giá tài sản ròng 

Giá trị tài sản ròng là số liệu phản ánh mức độ giàu có và thành công về tài chính của mỗi người. Giá trị tài sản ròng được tính như sau:

Giá trị tài sản ròng = Tổng tài sản – Tổng nợ phải trả

Tài sản gồm tiền mặt, tài khoản tiết kiệm, hưu trí, cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản,.. Và một số món đồ giá trị như ô tô, bộ sưu tập,… 

Các sản phẩm hàng tiêu dùng như quần áo, đồ điện tử,… không được tính vào tổng tài sản. Bởi những món đồ này không có nhiều giá trị, mất khá nhiều thời gian để xác định do mức giá của chúng liên tục biến động từng ngày.

Ngoài ra, các loại sản phẩm này có xu hướng giảm giá một cách nhanh chóng. Vì thế, việc thêm vào tổng tài sản được xem là vô nghĩa, không thiết thực.

Nợ phải trả gồm các khoản vay thế chấp, vay vốn sinh viên, hóa đơn đáo hạn, nợ tín dụng,…

Việc tính giá trị tài sản ròng nên được thực hiện 2 lần/năm. Nó sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn diện về bức tranh tài chính hiện tại của bản thân. Đồng thời có kế hoạch phù hợp để duy trì tài chính ổn định.

Nếu bạn mới tốt nghiệp đại học và có nhiều khoản nợ sinh viên, giá trị tài sản ròng sẽ bị âm. Điều này không hoàn toàn xấu. Nó có nghĩa là bạn cần có một vài mục tiêu cần thực hiện trong thời gian tới.

tài chính ổn định
Ảnh minh họa – Nên đánh giá tài sản ròng 2 lần/năm

→ Xem thêm: Hướng dẫn cách định giá tài sản ròng cho cá nhân

2. Đánh giá các mục tiêu tài chính

Mỗi năm, hãy đặt cho bản thân các mục tiêu tài chính ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Điều này sẽ tạo động lực để bạn làm việc chỉ và sống tích cực hơn.

Các mục tiêu dài hạn như nghỉ hưu, có thể sẽ không thay đổi đáng kể qua mỗi năm. Tuy nhiên, các mục tiêu ngắn hạn như trả nợ tín dụng, và mục tiêu trung hạn như mua nhà, có thể thay đổi thường xuyên hơn. 

Do đó, bạn nên đánh giá lại những quyết định này khoảng 3 – 6 tháng/lần để đảm bảo sự phù hợp với tình hình hiện tại. Chỉ khi có mục tiêu cụ thể, việc duy trì tài chính ổn định mới đạt hiệu quả nhất định.

→ Xem thêm: 7 bước thiết lập mục tiêu tài chính cá nhân đầy đủ nhất 2019

3. Kiểm tra báo cáo tín dụng

Báo cáo tín dụng là tập hợp thông tin chi tiết về lịch sử tín dụng của một đối tượng cụ thể, bao gồm:

  • Thông tin định danh.
  • Thông tin về những khoản vay: dư nợ, tình trạng khoản vay, thời hạn vay,…
  • Tài khoản thẻ tín dụng: số thẻ tín dụng, hạn mức, dư nợ, tình trạng thẻ, tình trạng dư nợ, nhóm nợ,…
  • Thông tin về quá trình thanh toán, trả nợ các khoản vay: lịch sử thanh toán, đúng hạn, chậm thanh toán,…
  • Thông tin liên quan khác: hợp đồng vay, tài sản đảm bảo,…

Báo cáo tín dụng do cơ quan thông tin tín dụng thu thập thông tin và tạo lập. Nó cung cấp các thông tin tín dụng cập nhật nhất của cá nhân. Đồng thời, cung cấp mức chấm điểm, xếp hạng tín dụng tương ứng. 

Xếp hạng tín dụng rất quan trọng. Vì nó ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận các khoản vay nếu bạn có nhu cầu. Bạn sẽ nhận được ưu đãi về lãi suất và sự hỗ trợ tối đa nếu có điểm tín dụng tốt.

Theo các chuyên gia tài chính, bạn nên kiểm tra báo cáo tín dụng ít nhất 1 lần/năm. Đặc biệt là trước khi thực hiện các khoản vay lớn như mua nhà, mua xe,… Việc này giúp bạn cập nhật thông tin tín dụng của bản thân, đối chiếu và phát hiện sai sót (nếu có) để khiếu nại điều chỉnh kịp thời. Hạn chế các rủi ro liên quan đến lợi dụng thông tin.

Đồng thời, căn cứ vào điểm tín dụng, có kế hoạch điều chỉnh hành vi trong quan hệ tín dụng để nâng hạng của mình.

tài chính
Ảnh minh họa – Điểm tín dụng ảnh hưởng đến điều kiện vay của bạn

4. Xác định người thụ hưởng

Khi mở tài khoản hưu trí hoặc mua bảo hiểm, bạn sẽ được hỏi về tên người thụ hưởng – người thừa kế tài khoản này sau khi bạn qua đời. Thực tế, các sự kiện như kết hôn, sinh con, ly hôn,… sẽ ảnh hưởng đến sự lựa chọn của bạn.

Thông thường, chồng hoặc vợ sẽ là người thụ hưởng mặc định. Tuy nhiên, bạn có thể chỉ định cho con hoặc người khác. Quyết định này hoàn toàn nằm ở bạn.

Mặc dù quyết định về người thụ hưởng có thể không thay đổi thường xuyên. Nhưng tốt nhất, mỗi năm, bạn nên xem xét lại quyết định của mình để biết được nó có còn thực sự phù hợp hay không.

5. Tính thuế thu nhập cá nhân

Thuế thu nhập cá nhân là khoản thuế bắt buộc mà người có thu nhập phải trích nộp một phần tỷ lệ phần trăm tiền lương hoặc từ các nguồn thu nhập khác vào ngân sách Nhà nước.

Theo quy định, cá nhân có thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng phải có trách nhiệm nộp thuế. Có 3 loại thu nhập phải nộp thuế, đó là:

  • Thu nhập từ tiền công, tiền lương, tiền thù lao mà các doanh nghiệp trả cho người lao động. Người lao động phải trực tiếp hoặc gián tiếp nộp thuế thu nhập cá nhân.
  • Thu nhập từ hoạt động kinh doanh: Các cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có giấy phép kinh doanh hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.
  • Thu nhập khác: Đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, chứng khoán,… Hoặc các khoản thu từ trúng thưởng, đăng ký bản quyền, tài sản thừa kế.

Cách tính thuế thu nhập cá nhân:

Thuế thu nhập cá nhân = Thu nhập tính thuế x Thuế suất

Trong đó:

  • Thuế suất là mức thuế theo biểu lũy tiến từng phần, tức là tính theo từng bậc thu nhập. Mỗi bậc thu nhập có một mức thuế suất khác nhau tương ứng.
  • Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ.
  • Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập – Các khoản được miễn thuế.
tài chính
Ảnh minh họa – Thuế thu nhập cá nhân là khoản thuế bắt buộc

Ví dụ: 

Bạn có thu nhập 26 triệu đồng/tháng, phụ cấp ăn trưa là 600.000 đồng, khoản bảo hiểm xã hội 8%, bảo hiểm y tế 1,5%, bảo hiểm thất nghiệp 1%. Và đang nuôi một con nhỏ dưới 18 tuổi.

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp được tính như sau:

– Tính thu nhập chịu thuế:

  • Tổng thu nhập: 26.000.000 + 600.000 = 26.600.000 đồng
  • Các khoản được miễn thuế: 600.000 đồng

=> Thu nhập chịu thuế: 26.600.000 – 600.000 = 26.000.000 đồng

– Tính các khoản giảm trừ:

  • Gia cảnh: 9.000.000 đồng
  • Người phụ thuộc: 3.600.000 đồng
  • Các khoản bảo hiểm: 26.000.000 x (8% + 1,5% +1%) = 2.730.000 đồng

=> Tổng các khoản giảm trừ: 9.000.000 + 3.600.000 + 2.730.000 = 15.330.000 đồng

– Tính thu nhập tính thuế:

26.000.000 – 15.330.000 = 10.670.000 đồng

– Tính thuế thu nhập cá nhân phải nộp:

Thu nhập tính thuế là 10.670.000 đồng, như vậy có 3 bậc như sau:

  • Bậc 1: Thu nhập tính thuế đến 5 triệu đồng, thuế suất 5%

5.000.000 x 5% = 250.000 đồng

  • Bậc 2: Thu nhập tính thuế trên 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, thuế suất 10%

(10.000.000 – 5.000.000) x 10% = 500.000 đồng

  • Bậc 3: Thu nhập tính thuế trên 10 triệu đồng đến 18 triệu đồng, thuế suất 15%

(10.670.000 – 10.000.000) x 15% = 100.500 đồng

⇒ Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp là: 250.000 + 500.000 + 100.500 = 850.500 đồng

Để nộp thuế thu nhập cá nhân, bạn có thể ủy quyền cho các đơn vị, doanh nghiệp hay cơ quan mà mình đang làm việc. Cuối mỗi tháng, họ sẽ trích ra phần trăm theo tỷ lệ của pháp luật để nộp thuế thu nhập cá nhân. Hoặc đến nộp trực tiếp tại Cục thuế nơi bạn nộp hồ sơ khai thuế trong năm.

Xem thêm: Thuế thu nhập cá nhân 2019 [Update]

6. Kiểm tra các khoản đầu tư

Đây là việc cần làm định kỳ để chắc chắn rằng lựa chọn của bạn phù hợp với thời điểm và các mục tiêu tài chính.

Những biến động của thị trường ảnh hưởng rất lớn đến các khoản đầu tư. Do đó, cần theo dõi và nắm bắt thị trường nhanh nhạy để hạn chế rủi ro, gia tăng lợi nhuận.

Bên cạnh đó, tùy vào thời điểm, cần có sự thay đổi linh hoạt giữa các kênh đầu tư sao cho phù hợp. Thay vì chỉ “rót” vốn vào một kênh đầu tư, hãy chia nhỏ số tiền vào nhiều “giỏ” khác nhau để tăng hiệu quả đầu tư.

Hiện nay, bạn có rất nhiều sự lựa chọn với đa dạng các kênh đầu tư như gửi tiết kiệm, bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu,… Tuy nhiên, lợi nhuận càng cao, xác suất rủi ro càng lớn. Do đó, cần tìm hiểu và tính toán kỹ lưỡng khi lựa chọn kênh đầu tư.

Đầu tư để sinh lợi nhuận là một bài toán không hề đơn giản. Nhưng nếu có hiểu biết, nhanh nhạy trước thị trường, không khó để kiếm được một khoản lợi nhuận đáng kể từ việc này.

tài chính
Ảnh minh họa – Đa dạng danh mục đầu tư để hạn chế rủi ro

7. Xác định loại bảo hiểm phù hợp để đảm bảo tài chính ổn định

Điều này rất cần thiết để đánh giá loại và số tiền bảo hiểm mà bạn cần. Chẳng hạn, nếu bạn thuê nhà, nên mua bảo hiểm cho người thuê nhà để bảo vệ đồ đạc của mình. Nếu mua nhà, bạn cần mua bảo hiểm cho chủ nhà. 

Bảo hiểm sẽ chi trả số tiền bạn phải bỏ ra để xây dựng lại căn nhà. Thông thường, số tiền bảo hiểm sẽ cao hơn giá trị ngôi nhà cũng như việc thay thế các vật dụng trong gia đình.

Ngoài ra, bạn có thể muốn bảo hiểm đặc biệt cho các tài sản có giá trị như đồ trang sức, tác phẩm nghệ thuật,… Công ty bảo hiểm sẽ giúp bạn đánh giá để biết được loại và số tiền bảo hiểm phù hợp.

Nếu bạn có người phụ thuộc, hãy nghĩ tới việc mua bảo hiểm nhân thọ. Bởi nếu không may bạn qua đời, số tiền bảo hiểm sẽ giúp họ trang trải cuộc sống, duy trì tài chính ổn định khi mất đi khoản thu nhập từ bạn. 

Bên cạnh đó, có thể cân nhắc mua bảo hiểm khuyết tật để phòng trường hợp bạn không may bị ốm, thương tật và không thể tiếp tục làm việc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây