Luật thuế thu nhập cá nhân 2019 có gì thay đổi? Bạn có nằm trong danh sách phải nộp thuế? Tham khảo những thông tin hữu ích dưới đây để có câu trả lời. 

Thuế thu nhập cá nhân 2019

→ Xem thêm: 10 loại thu nhập phải chịu thuế TNCN

1. Thuế thu nhập cá nhân là gì?

Thuế thu nhập cá nhân là khoản tiền thuế được trích từ tiền lương hoặc từ các nguồn thu khác vào ngân sách Nhà nước sau khi đã tính các khoản được giảm trừ.

Theo quy định hiện hành người có mức thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng phải tiến hành nộp thuế đúng pháp luật.

Nghĩa là loại thuế này chỉ hướng đến những người có mức thu nhập cao, không hướng tới người lao động có thu nhập cơ bản.

Nên nếu thu nhập của bạn dưới 9 triệu đồng/tháng, không cần phải nộp loại thuế này.

2. Đối tượng phải nộp thuế

Là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam (Theo Điều 2 Luật Thuế Thuế thu nhập cá nhân 2007, sửa đổi, bổ sung 2012). Cụ thể:

Theo quy định của pháp luật hiện hành những cá nhân cư trú sẽ phải đóng thuế. Nghĩa là các cá nhân cư trú sẽ phải đóng thuế trên mức thu nhập thuế phát sinh tại Việt Nam và cả thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam.

Thêm nữa, các cá nhân không cư trú nhưng phải đóng thuế trên thu nhập chịu thuế phát sinh ở Việt Nam.

Thuế thu nhập cá nhân 2019
Ảnh minh họa – Đối tượng nộp thuế cá nhân 2019

Lưu ý, cá nhân cư trú là cá nhân phải đáp ứng được 1 trong những yêu cầu sau.

  • Có nhà thuê ở lại tại Việt Nam hoặc có nơi đăng ký thường trú với tổng hợp đồng thuê trên 90 ngày.
  • Có mặt tại Việt Nam trong vòng 12 tháng liên tục hoặc có mặt ở Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong năm dương lịch, ngày đến và ngày đi được tính là 1 ngày.
  • Đặc biệt cá nhân không cư trú là cá nhân không đáp ứng 1 trong số các quy định về cá nhân cư trú nên sẽ không cần phải nộp thuế theo pháp luật Việt Nam.

→ Xem thêm: Thực hư chuyện thu nhập 5 triệu/tháng phải đóng thuế thu nhập cá nhân?

3. Các loại Thu nhập phải chịu thuế

1. Tiền công, lương

  • Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công (dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền).
  • Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản sau: phụ cấp, trợ cấp về ưu đãi người có công; phụ cấp quốc phòng, an ninh; phụ cấp độc hại, nguy hiểm, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật…

2. Thu nhập từ kinh doanh, không gồm thu nhập của cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống.

3. Thu nhập từ đầu tư vốn, gồm: Tiền lãi cho vay; lợi tức cổ phần…

4. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, gồm: Thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn trong các tổ chức kinh tế; chuyển nhượng chứng khoán…

5. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản: Từ các khoản thu nhập từ chuyển nhượng đất cùng tài sản gắn liền với đất; chuyển nhượng quyền sử dụng hoặc sở hữu nhà ở; chuyển nhượng quyền thuế mặt nước hoặc thuê đất.

Thuế thu nhập cá nhân 2019
Ảnh minh họa – Các loại Thu nhập phải nộp thuế thu nhập cá nhân

6. Thu nhập từ trúng thưởng, gồm: Trúng thưởng xổ số; trúng thưởng trong các hình thức khuyến mại, cuộc thi, trò chơi,…

7. Thu nhập từ bản quyền, gồm: Từ chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ; chuyển giao công nghệ.

8. Thu nhập từ nhượng quyền thương mại.

9. Thu nhập từ nhận thừa kế: Thừa kế vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, chứng khoán, bất động sản và những tài sản khác có đăng ký sử dụng hoặc đăng ký sở hữu.

10. Thu nhập từ nhận quà tặng: Thu nhập từ việc thực hiện nhận quà tặng là 1 phần vốn hoặc chứng khoán trong những cơ sở kinh doanh, tổ chức kinh tế, bất động sản và những tài sản khác phải đăng ký sử dụng hoặc sở hữu.

→ Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử pháp luật Việt Nam

4. Thu nhập bao nhiêu phải nộp thuế?

Theo Điều 22 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 việc khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của người lao động ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần gồm 7 bậc:

Bậc thuế Phần thu nhập tính thuế/năm (triệu đồng) Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng) Thuế suất (%)
1 Đến 60 Đến 5 5
2 Trên 60 đến 120 Trên 5 đến 10 10
3 Trên 120 đến 216 Trên 10 đến 18 15
4 Trên 216 đến 384 Trên 18 đến 32 20
5 Trên 384 đến 624 Trên 32 đến 52 25
6 Trên 624 đến 960 Trên 52 đến 80 30
7 Trên 960 Trên 80 35
Thu nhập tính thuế/tháng = Thu nhập chịu thuế Các khoản giảm trừ

Các khoản giảm trừ gồm:

  • 9 triệu đồng/tháng với bản thân người nộp thuế
  • 3,6 triệu đồng/tháng với mỗi người phụ thuộc (Phải đăng ký và được cấp mã số thuế người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh)

Ví dụ, thu nhập tiền lương, tiền công trong tháng là 30 triệu và nộp các khoản bảo hiểm là 8%, bảo hiểm y tế là 1,5% trên tiền lương. Nuôi 1 con dưới 18 tuổi.

Thuế thu nhập cá nhân tạm nộp trong tháng sẽ được tính như sau:

1.Thu nhập chịu thuế: 30 triệu đồng

2.Các khoản được giảm trừ:

– Do gia cảnh: 9 triệu đồng

– Người phụ thuộc: 3,6 triệu đồng

– Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế: 30 triệu x (8% + 1,5%) = 2,85 triệu đồng

⇒ Tổng cộng các khoản được giảm trừ: 9 triệu + 3,6 triệu + 2,85 triệu = 15,45 triệu đồng

3.Thu nhập tính thuế là: 30 triệu – 15,45 triệu = 14,55 triệu đồng

5. Các bước tính thuế thu nhập cá nhân

Thuế thu nhập cá nhân tính như thế nào? Nếu mức thu nhập của bạn trên 09 triệu đồng/tháng, hãy lưu ý đến 3 bước tính thuế thu nhập cá nhân dưới đây:

  1. [Thu nhập chịu thuế] = [Tổng thu nhập] – [Các khoản miễn thuế]
  2. [Thu nhập tính thuế] = [Thu nhập chịu thuế] – [Các khoản giảm trừ]
  3. [Thuế TNCN phải nộp] = [Thu nhập tính thuế] x [Thuế suất]

Trong đó:

  • Tổng thu nhập: Toàn bộ thu nhập mà cá nhân được nhận trong tháng do công ty trả lương, bao gồm cả tiền thưởng lễ tết,…
  • Các khoản miễn thuế: Các khoản trợ cấp, phụ cấp ăn trưa, xăng xe, điện thoại,tiền làm thêm giờ, tiền trang phục,…
  • Các khoản giảm trừ: Giảm trừ do gia cảnh khó khăn, người phụ thuộc, các khoản bảo hiểm bắt buộc.
  • Thuế suất là mức thuế theo biểu lũy tiến từng phần, tức là tính theo từng bậc thu nhập, mỗi bậc thu nhập có một mức thuế suất khác nhau tương ứng.
Thuế thu nhập cá nhân 2019
Ảnh minh họa – Các tính thuế thu nhập cá nhân 2019

Chẳng hạn, mức lương chính theo tháng là 26 triệu đồng, lương phụ cấp ăn trưa là 600.000 đồng, tiền phụ cấp xăng xe là 500.000 đồng, khoản bảo hiểm xã hội 8%, bảo hiểm y tế là 1,5%, bảo hiểm thất nghiệp 1%. Nuôi 1 con nhỏ dưới 18 tuổi.

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp được tính như sau:

1.Tính thu nhập chịu thuế: 

Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập – Các khoản miễn thuế

  • Tổng thu nhập: 26 triệu đồng + 600.000 đồng + 500.000 đồng = 27,1 triệu đồng
  • Các khoản được miễn thuế: (phụ cấp ăn trưa và tiền xăng xe) = 600.000 đồng + 500.000 đồng = 1,1 triệu đồng

⇒ Thu nhập chịu thuế: 27,1 triệu đồng – 1,1 triệu đồng = 26 triệu đồng

2. Tính các khoản giảm trừ: 

  • Gia cảnh: 9 triệu đồng
  • Người phụ thuộc: 3,6 triệu đồng
  • Các khoản bảo hiểm: 26 triệu đồng x (8% + 1,5% + 1%) = 2,73 triệu đồng

⇒ Tổng các khoản giảm trừ: 9 triệu đồng + 3,6 triệu đồng + 2,73 triệu đồng = 15,33 triệu đồng

3. Thu nhập tính thuế: 

Thu nhập tính thuế = 26 triệu đồng – 15,33 triệu đồng = 10,67 triệu đồng

4. Tính thuế thu nhập cá nhân phải nộp

Thu nhập tính thuế là 10,67 triệu đồng, như vậy có 3 bậc như sau:

  • Bậc 1: Thu nhập tính thuế đến 5 triệu đồng, thuế suất 5%

5 triệu x 5% = 250.000 đồng

  • Bậc 2: Thu nhập tính thuế trên 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, thuế suất 10%

(10 triệu – 5 triệu) x 10% = 500.000 đồng

  • Bậc 3: Thu nhập tính thuế trên 10 triệu đồng đến 18 triệu đồng, thuế suất 15%

(10,67 triệu đồng – 10 triệu đồng) x 15% = 100.500 đồng

⇒ Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp là:

250.000 đồng + 500.000 đồng + 100.500 đồng = 850.500 đồng

Thuế thu nhập cá nhân 2019
Ảnh minh họa – Công thức tính thuế thu nhập cá nhân gồm 3 bước

6. Các trường hợp được giảm thuế

Nếu đối tượng nộp thuế không may gặp phải những rủi ro như: tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai, bệnh hiểm nghèo. Ảnh hưởng đến khả năng chi trả thuế, sẽ được xem xét giảm mức thuế tương ứng với mức độ bị thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế cần nộp.

7. Cách nộp thuế thu nhập cá nhân

Cá nhân phải nộp thuế có 2 cách để nộp thuế cho ngân sách Nhà nước:

Một là các cá nhân có thể ủy quyền cho các đơn vị, doanh nghiệp hay cơ quan mà mình đang làm việc và công tác. Cuối mỗi tháng, họ sẽ trích ra phần trăm theo tỷ lệ của pháp luật để nộp thuế thu nhập cá nhân.

Hai là nộp trực tiếp tại Chi cục thuế nơi các cá nhân nộp hồ sơ khai thuế trong năm.

Thuế thu nhập cá nhân 2019
Ảnh minh họa – Lựa chọn cách nộp thuế thu nhập cá nhân

8. Thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân

Khi tự nộp thuế thu nhập cá nhân, cần lưu ý thời hạn nộp thuế cho ngân sách Nhà nước. Theo điểm d, đ khoản 1 Điều 16 Thông tư 156/2013/TT-BTC quy định:

– Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo tháng chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.

– Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quý chậm nhất là ngày thứ 30 của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.

– Thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.

– Thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp tờ khai thuế tháng, quý, quyết toán thuế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây