5 mẹo tiết kiệm tiền cho người thu nhập không ổn định

0
1431
tiết kiệm tiền

Những người thu nhập không ổn định thường gặp nhiều khó khăn trong việc tiết kiệm tiền. Thu nhập khi nhiều, khi ít khiến họ không thể duy trì tài chính ổn định.

1. Lập ngân sách chi tiêu

Để duy trì tài chính ổn định, lập ngân sách là bước không thể thiếu khi quản lý tiền bạc. Lập ngân sách cho phép bạn phân chia dòng tiền khoa học, chi tiêu theo đúng hạn mức. Tránh lãng phí tiền bạc cho những khoản chi không cần thiết.

Đây là cách tốt nhất để bạn đảm bảo tài chính khi nguồn thu nhập không ổn định. Bên cạnh đó, nên lập kế hoạch chi tiêu càng xa càng tốt để hạn chế tình trạng phải đi vay mượn để thanh toán các khoản chi bất ngờ.

Muốn lập ngân sách phù hợp với điều kiện và nhu cầu của bản thân, trước tiên, cần theo dõi chi phí sinh hoạt trong 3 tháng gần nhất. Đặc biệt là các khoản chi tiêu thiết yếu như tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống,… Từ đó, bạn có thể ước tính được hạn mức phù hợp cho từng khoản chi. 

Một số cách phân chia ngân sách dưới đây có thể giúp bạn quản lý tài chính hiệu quả hơn.

Quy tắc 50/30/20

Bạn có thể cân nhắc việc chia ngân sách chi tiêu theo quy tắc 50/30/20 như sau:

  • 50% cho chi tiêu thiết yếu như tiền thuê nhà, ăn uống, điện nước,…
  • 30% cho chi tiêu cá nhân như xem phim, du lịch,…
  • 20% cho các mục tiêu tài chính như tiết kiệm, trả nợ,…

Phương pháp 6 chiếc hũ

Với phương pháp này của T. Harv Eker, thu nhập hàng tháng sẽ được chia vào 6 chiếc hũ với những chức năng riêng như sau:

  • 55% cho chi tiêu thiết yếu: ăn uống, nhà ở, đi lại,… 
  • 10% cho giáo dục đào tạo: học tập, mua sách,…
  • 10% cho tiết kiệm: tiết kiệm dài hạn, quỹ khẩn cấp,…
  • 10% cho hưởng thụ: mua sắm, giải trí, du lịch,…
  • 10% cho tự do tài chính: đầu tư, quỹ hưu trí,…
  • 5% cho từ thiện

Chẳng hạn, thu nhập của bạn là 10 triệu đồng, ngân sách sẽ được chia như sau:

  • Chi tiêu thiết yếu: 5.500.000đ
  • Giáo dục: 1.000.000đ
  • Tiết kiệm: 1.000.000đ
  • Chi tiêu cá nhân (hưởng thụ): 1.000.000đ
  • Đầu tư: 1.000.000đ
  • Từ thiện: 500.000đ

Tuy nhiên, các con số này có thể thay đổi linh hoạt phù hợp với hoàn cảnh của từng người. Hãy tăng chi phí thiết yếu lên 60 – 70% nếu bạn thấy nó cần thiết hơn nhu cầu giải trí của bản thân.

>> Xem thêm: Hướng dẫn lập kế hoạch tài chính cá nhân cho người mới bắt đầu

2. Coi việc tiết kiệm tiền như một hóa đơn bắt buộc

Khi lập ngân sách chi tiêu, tuyệt đối không thể bỏ qua khoản tiền cần tiết kiệm hàng tháng. Kể cả khi thu nhập không định, bạn vẫn nên dự trù một khoản tiết kiệm cho bản thân. Mặc dù nó không hề dễ dàng nhưng không phải là không thể.

Theo các chuyên gia tài chính, nên dành khoảng 10 – 20% thu nhập để tiết kiệm mỗi tháng. Số tiền tiết kiệm hàng tháng có thể thay đổi do thu nhập tăng hoặc giảm. Nhưng tỷ lệ chia ngân sách cho quỹ tiết kiệm không nên thay đổi.

Để đảm bảo việc tiết kiệm được duy trì đều đặn, hãy thiết lập một khoản khấu trừ tự động thường xuyên chuyển tiền từ tài khoản thanh toán sang tài khoản tiết kiệm.

tiết kiệm tiền
Ảnh minh họa – Nên tiết kiệm 10 – 20% thu nhập mỗi tháng

>> Xem thêm: 15 cách tiết kiệm tiền lương dễ dàng và hiệu quả

3. Tạo quỹ bình ổn thu nhập để tiết kiệm tiền

Lý do căn bản để tiết kiệm tiền là nó sẽ đóng vai trò là quỹ bình ổn thu nhập của bạn. Đối với những người thu nhập không ổn định, quỹ bình ổn vô cùng quan trọng.  

Khi bạn kiếm được thu nhập cao hơn số tiền ngân sách đã đặt ra, phần thừa nên được cho vào quỹ bình ổn. Ngược lại, với những tháng thu nhập thấp, bạn có thể trích số tiền đó ra để sử dụng mà không cần đi vay mượn.

Các chuyên gia tài chính khuyên rằng: Để đảm bảo an toàn, nên tạo quỹ bình ổn bằng 3 – 6 tháng chi phí sinh hoạt bình thường.

Trong trường hợp khẩn cấp, có thể lấy tiền từ quỹ khẩn cấp, sau đó trả lại khi thu nhập tăng. Khi làm điều này, quan trọng nhất là phải duy trì việc rút và bổ sung các khoản tiền này một cách thường xuyên.

Nếu nhận được tiền thưởng hoặc bất kỳ khoản tiền phụ nào khác, hãy tập thói quen tiết kiệm số tiền đó. Nếu duy trì được điều này, ngoài việc tiết kiệm phần trăm thu nhập thường xuyên được xác định trước, tài khoản tiết kiệm của bạn chắc chắn sẽ nhanh chóng gia tăng.

>> Xem thêm: Quỹ khẩn cấp là gì? Làm thế nào để tạo quỹ khẩn cấp?

4. Tiết kiệm tiền bằng cách tăng thu nhập phụ

Đa dạng nguồn thu nhập là cách tốt nhất để bạn cải thiện tình hình tài chính khi thu nhập chính không ổn định. Tìm kiếm một công việc làm thêm để tăng thu nhập có lẽ là một ý tưởng không tồi.

Bạn có thể bắt đầu với những công việc linh hoạt về thời gian như bán hàng online, lái taxi, gia sư,… Quan trọng là phải tìm công việc phù hợp khả năng của mình. Đồng thời, không để ảnh hưởng đến công việc chính hiện tại.

Ngoài ra, nếu có kiến thức về tài chính, có thể tìm kiếm lợi nhuận từ các kênh đầu tư như chứng khoán, ngoại tệ,.. Tuy nhiên, đầu tư luôn ẩn chứa nhiều rủi ro bởi biến động thị trường. Do đó, cần nhắc kỹ nếu muốn tăng thu nhập theo các này.

tiết kiệm tiền
Ảnh minh họa – Tăng thu nhập bằng những công việc làm thêm phù hợp

>> Xem thêm: 10 cách đơn giản để tăng thu nhập tại nhà chỉ với laptop

5. Duy trì tư duy tài chính đúng đắn

Trong năm, sẽ có khoảng thời gian thuận lợi khiến thu nhập của bạn tăng cao. Nhưng đừng tiêu xài hoang phí, hãy tiếp tục tiết kiệm. Đồng thời, thường xuyên theo dõi ngân sách trong dài hạn.

Chuyên gia tài chính Nancy Butler cho rằng: Chìa khóa để cuối cùng sống sót với thu nhập không ổn định trong thời gian dài là áp dụng tư duy đúng đắn khi quản lý tiền bạc. 

Dựa trên thu nhập và nhu cầu của bản thân, đặt ra các mục tiêu tài chính ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Từ đó xây dựng kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm phù hợp để đạt được mục tiêu như thời gian đã định. 

Để duy trì kế hoạch hiệu quả, cần theo dõi chi tiêu thường xuyên. Bạn sẽ biết được tiền của mình được sử dụng như thế nào? Có hiệu quả hay không? Từ đó, điều chỉnh thói quen chi tiêu sao cho phù hợp.

Thay vì mua sắm theo sở thích, hãy tập thói quen chi tiêu có kế hoạch. Chỉ mua thứ mình cần, không mua thứ mình thích.

Hãy tạo cho mình thói quen chi tiêu khoa học, tiết kiệm để duy trì tài chính cá nhân ổn định. Đồng thời, đạt được những mục tiêu mà mình mong muốn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây