10 yếu tố chi phối việc chia tài sản khi ly hôn ở Mỹ

0
1354

Nếu thời gian vợ chồng chung sống càng lâu, phần tài sản nhận được sẽ càng bằng nhau.

10 yếu tố chi phối việc chia tài sản khi ly hôn ở Mỹ

→ Xem thêm: 5 lưu ý về việc phân chia tài sản khi ly hôn

Vợ chồng ở Mỹ khi ly hôn được tự thỏa thuận chia tài sản nhưng vẫn cần được tòa án xét duyệt. Nếu không thể thống nhất, tòa án sẽ ra phán quyết chia tài sản theo quy định của pháp luật từng bang, thường sẽ theo hai phương thức: chia 50/50 hoặc chia theo tỉ lệ.

Theo Find Law, hầu hết các bang ở Mỹ đều chọn cách chia tài sản theo tỉ lệ. Thay vì chia đôi tuyệt đối, thẩm phán sẽ cân nhắc nhiều phương diện để đưa ra phán quyết công bằng nhất cho cả hai bên.

Bao gồm các yếu tố như công sức đóng góp, tài sản chung, nhu cầu và năng lực tài chính, lỗi của các bên dẫn tới ly hôn (ngoại tình hoặc bạo lực gia đình). Theo cách chia này, hai bên chưa chắc sẽ nhận được phần tài sản bằng nhau.

Giả sử một bên bỏ dở sự nghiệp ở nhà nuôi con, dẫn tới khó kiếm việc nuôi sống bản thân sau khi ly hôn, thẩm phán có thể người đó cho hưởng phần tài sản chung nhiều hơn.

Ngược lại, nếu một bên thường ngược đãi đối phương hoặc có lỗi dẫn tới ly hôn (kể cả ở những bang cho phép ly hôn không cần chứng minh lỗi), tòa án có thể cho người này hưởng phần tài sản chung ít hơn.

10 yếu tố chi phối việc chia tài sản khi ly hôn ở Mỹ
Ảnh minh họa- Chia tài sản ly hôn 

→ Xem thêm: ‘Chúng tôi có rất nhiều tiền, chúng tôi vẫn ly hôn’

Theo Divorce Net, một số yếu tố cụ thể mà tòa án sẽ cân nhắc khi chia tài sản theo cách công bằng bao gồm:

– Thời gian của cuộc hôn nhân: Cặp đôi sống chung càng lâu, phần tài sản hai bên nhận được sẽ càng bằng nhau. Trong cuộc hôn nhân ngắn ngủi, thẩm phán thường cố gắng để hai bên khôi phục tài sản về trạng thái ban đầu trước khi kết hôn;

– Người nào phụ trách nuôi con;

– Nhu cầu tài chính của mỗi bên ở hiện tại và tương lai, ví dụ như cần tiền đi học để kiếm việc.

– Năng lực tài chính của các bên;

– Lượng tài sản đóng góp của mỗi bên vào khối tài sản chung;

– Công sức mỗi bên cống hiến cho gia đình (như nuôi dạy con, làm việc nhà không công…)

– Độ tuổi, sức khỏe và nhu cầu đặc biệt của mỗi bên;

– Nghĩa vụ trợ cấp con cái từ các cuộc hôn nhân trước;

– Tổng giá trị khối tài sản cá nhân của mỗi bên (tòa án có thể lệnh cho một bên vợ chồng dùng tài sản riêng để bù đắp cho bên còn lại);

– Lỗi của mỗi bên dẫn tới ly hôn (nợ nần vì đánh bạc, ngoại tình, hoặc bạo lực gia đình).

9 tiểu bang ở Mỹ lại có cách chia bình đẳng 50/50, bao gồm Arizona, California, Idaho, Louisiana, Nevada, New Mexico, Texas, Washington, và Wisconsin.

Với cách chia này, thẩm phán sẽ không xét tới các dữ kiện như ai đóng góp nhiều hơn, ai có nhiều tài sản riêng hơn, hoặc ai có lỗi dẫn tới ly hôn.

Những tài sản phát sinh trong hôn nhân thuộc sở hữu chung. Tài sản riêng của từng bên là tài sản do một bên có được trước hôn nhân, sau khi ly thân hoặc ly hôn.

Khi ly hôn, khối tài sản chung sẽ được chia đôi, mỗi bên giữ tài sản riêng.

Thông thường, tài sản mua bằng tiền do một bên kiếm được trong thời kỳ hôn nhân sẽ được coi là tài sản chung và phải chia 50/50 khi ly hôn (trừ phi thỏa thuận tiền hôn nhân có điều khoản quy định khác).

Đồng thời, quyền sở hữu chung cũng đồng nghĩa với nghĩa vụ trả nợ chung. Hai người có trách nhiệm như nhau trong việc trả các khoản nợ như vay thẻ tín dụng, thế chấp nhà hoặc vay mua xe.

Việc giấu giếm tài sản để tránh phải phân chia là trái pháp luật. Tòa án một số bang có thể trừng phạt người vi phạm bằng cách trao phần trăm nhất định của khối tài sản bị giấu cho bên còn lại. Chẳng hạn ở California, người cố tình giấu giếm nếu bị phát hiện có thể mất 100% số tài sản “quỹ đen”.

Theo Quốc Đạt (VnExpress)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây