Cách đánh giá nguồn lực tài chính cá nhân trong 60s

0
1582

Trước khi muốn đạt được các mục tiêu tài chính, hãy đánh giá nguồn lực tài chính cá nhân hiện tại để có kế hoạch  triển khai thực tế. 

Các nghiên cứu trước đây cho thấy, những người lên kế hoạch tài chính cho bản thân thường có xu hướng tiết kiệm tiền nhiều hơn, đưa ra các quyết định đúng và ít gặp vấn đề trong thu nhập. Việc xây dựng một bản kế hoạch tài chính sẽ giúp cho người lập xác định những hoạt động cần thiết để đạt được mục tiêu và giúp họ kiểm tra được sự cải thiện về tài chính một cách dễ dàng hơn.

Trước khi có thể thiết lập các mục tiêu thực tế, xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân và quản lý tiền bạc có hiệu quả, các cá nhân phải đánh giá lại tình hình tài chính hiện tại của mình. Báo cáo quản lý tài chính cá nhân là công cụ hữu hiệu giúp cung cấp thông tin để kiểm soát tài chính. Kết hợp với kỹ thuật Lập ngân sách, các báo cáo này sẽ hỗ trợ việc xác định được các vấn đề tài chính và đưa ra các quyết định tài chính đúng đắn.

Đây là hai loại báo cáo quản lý tài chính cá nhân thường được sử dụng. Click vào hai link bài dưới đây để download bản mẫu định dạng excel/pdf để tự mình thực hiện.

  1. Bảng cân đối giá trị tài sản cá nhân
  2. Bảng theo dõi thu nhập và chi phí cá nhân

Cấu trúc của các báo cáo quản lý tài chính cá nhân

Có 2 loại báo cáo quản lý tài chính cá nhân là Bảng cân đối giá trị tài sản cá nhân (Personal Balance Sheet hoặc Net worth statement) và Bảng thu nhập và chi tiêu cá nhân (Income and Expenses Statement).

Các báo cáo này là kết quả của việc tổng hợp các thông tin, dữ liệu về tài chính của một cá nhân để mô tả tình trạng tài chính của cá nhân đó. Chúng phản ánh các điều kiện tài chính mà mỗi chủ thể có thể sử dụng để thiết lập cho các mục tiêu tài chính, cũng như nhận ra các vấn đề tài chính đang tồn tại.

Báo cáo tài chính cũng là cơ sở đánh giá khả năng thực hiện mục tiêu tài chính. Biết cách xây dựng và diễn giải thông tin trong các báo cáo quản lý tài chính cá nhân là cơ sở để thực hiện thành công các kế hoạch tài chính cá nhân.

Bảng cân đối giá trị tài sản cá nhân

Bảng cân đối giá trị tài sản cá nhân tổng hợp các loại tài sản mà các cá nhân đang sở hữu, các khoản nợ và các giá trị ròng trong thu nhập tại một thời điểm nhất định. Bảng báo cáo này giúp các cá nhân theo dõi được sự biến động của các loại tài sản và các khoản nợ.

Bảng 1 dưới đây là một ví dụ về các nội dung trong bảng cân đối giá trị tài sản cá nhân. Tùy vào tình hình tài chính cụ thể, người lập quyết định số khoản mục chi tiết để hiển thị tình trạng tài chính của bản thân một cách chính xác nhất.

Các tài sản sở hữu

Các khoản mục tài sản được ghi lại phía bên trái trên bảng cân đối giá trị tài sản cá nhân theo giá trị thị trường hợp lý tại thời điểm hiện tại (tức là số tiền mà cá nhân có thể thu được nếu bán tài sản này trên thị trường). Giá trị thị trường sẽ có thể khác biệt đáng kể so với nguyên giá (số tiền mà cá nhân đã trả để mua tài sản đó). Các tài sản có thể được mua bằng tiền hoặc khoản vay.

Nói cách khác, ngay cả khi chưa thanh toán hết số tiền cho một loại tài sản, người lập bảng vẫn cần liệt kê tài sản đó trong bảng cân đối giá trị. Ngược lại, một tài sản được thuê không được coi là tài sản của cá nhân vì quyền sở hữu tài sản này thuộc về người khác. Các tài sản có thể được phân loại dựa trên đặc điểm và cách sử dụng. Ví dụ có thể phân loại tài sản thành tài sản dễ thanh khoản, tài sản hữu hình và các loại tài sản đầu tư.

Các tài sản dễ thanh khoản

Tài sản dễ chuyển đổi thành tiền để chi trả cho các chi phí trong cuộc sống, các trường hợp khẩn cấp, tiết kiệm cũng như chi trả các loại hóa đơn. Tiền mặt, số dư tài  khoản thanh toán, tài khoản tiền gửi, quỹ tương hỗ, chứng chỉ tiền gửi đáo hạn trong 1 năm là các ví dụ trong khoản mục tài sản dễ thanh khoản.

Tài sản hữu hình

Tài sản cá nhân có mục đích chính là duy trì lối sống hàng ngày của cá nhân bao gồm bất động sản và các vật dụng cá nhân. Bất động sản bao gồm đất đai, nhà ở, chung cư, hoặc các hình thức bất động sản khác mà cá nhân sở hữu. Vật dụng cá nhân bao gồm các phương tiện đi lại, các công cụ giải trí, đồ nội thất gia dụng và các thiết bị, quần áo, trang sức và các loại đồ vật khác. Các vật dụng cá nhân này thường có giá trị giảm đi cùng với thời gian được đưa vào sử dụng. Những tài sản này cần được đánh giá lại theo nguyên tắc khấu hao (ví dụ như một chiếc ti vi đã dùng được 5 năm sẽ có giá trị thấp hơn so với lúc mới mua).

Tài sản đầu tư

Bao gồm các loại tài sản hữu hình và tài sản vô hình được mua lại nhằm tạo thêm thu nhập và tăng giá trị tài sản. Ví dụ về tài sản đầu tư là cổ phiếu, trái phiếu, quỹ tương hỗ, vàng, bảo hiểm nhân thọ và các sản phẩm niên kim, các tài khoản hưu trí cung cấp cho cá nhân và người đi làm. Các tài sản đầu tư được dùng để duy trì mức sống cho người chủ sở hữu trong tương lai. Tài sản đầu tư thường có giá trị thay đổi, do đó số tiền được liệt kê phải phản ánh giá trị của tài sản tại thời điểm bảng cân đối được xây dựng.

Nội dung ở phía bên phải bảng cân đối giá trị tài sản cá nhân là các khoản nợ phải trả của cá nhân (bao gồm cả nợ cá nhân và các khoản nợ kinh doanh liên quan). Các khoản nợ có thể là các khoản nợ ngắn hạn, các khoản nợ phải trả người bán trong một năm hoặc nợ dài hạn và các khoản vay trả góp được thế chấp bằng nhà cửa và các bất động sản khác.

Nợ phải trả ngắn hạn

Các khoản nợ hiện tại và đáo hạn trong vòng 1 năm kể từ ngày được ghi nhận trong bảng cân đối giá trị. Ví dụ như hóa đơn điện nước, cho thuê, phí bảo hiểm, hóa đơn tiền thuốc, hóa đơn sửa chữa và nợ thẻ tín dụng.

Nợ phải trả dài hạn

Các khoản nợ đáo hạn 1 năm trở lên kể từ ngày được ghi nhận trong bảng cân đối giá trị. Các khoản nợ này thường bao gồm các tài sản thế chấp bằng bất động sản, các khoản vay trả góp tiêu dùng, tín dụng giáo dục và cho vay kí quỹ sử dụng để mua chứng khoán. Các phần nợ phải trả trong các khoản vay và thế chấp cần được đưa vào bảng cân đối giá trị tài sản cá nhân nhưng không bao gồm lãi suất thanh toán.

Phần cuối cùng trong bảng cân đối giá trị tài sản cá nhân là giá trị ròng phản ánh tình trạng tài chính cá nhân. Giá trị tài sản ròng là giá trị còn lại được tính toán bằng cách lấy giá trị ước tính của các tài sản theo giá trị thị trường trừ đi các khoản nợ phải trả (giả sử không phát sinh chi phí giao dịch).

Tài sản RÒNG = tài sản – nợ phải trả

Nếu giá trị ròng của tài sản nhỏ hơn 0, thì cá nhân đó đang đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán (vỡ nợ). Mặc dù việc mất khả năng thanh toán này không có nghĩa rằng cá nhân đó sẽ bị phá sản ngay lập tức nhưng nó cho thấy rằng tài sản của họ này không đủ để thực hiện các mục tiêu tài chính.

Thông thường giá trị tài sản ròng thường ở mức thấp khi các cá nhân nằm trong độ tuổi thấp hơn 35 và có xu hướng tăng dần đến mức cao nhất trong độ tuổi từ 55-64 tuổi. Mức giá trị tài sản ròng giảm xuống dần khi các cá nhân bước vào độ tuổi nghỉ hưu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây