Tiền bạc là một phần quan trọng trong cuộc sống của con người. Do đó, nếu không biết cách quản lý bạn sẽ gặp những khó khăn và rắc rối trong cuộc sống. 

Những vấn đề về tiền bạc

I. Chiến lược xây dựng tài chính cho trẻ nhỏ

1. Quản lý tiền bạc 

Tiền bạc luôn có một vai trò trong cuộc sống của con người. Nếu biết cách quản lý tài chính càng sớm, cuộc sống càng thoải mái. Và đạt được những dự định tương lai. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng ý thức được tầm quan trọng của việc quản lý tài chính cá nhân. Chi tiêu hết số lương hàng tháng, không có một khoản tiết kiệm hay quỹ dự phòng cho những rủi ro có thể xảy ra. Hoặc những mục tiêu tài chính trong tương lai. 

Quản lý tài chính cá nhân được hình thành từ thói quen và ý thức của mỗi cá nhân. Do đó, học cách quản lý tiền bạc càng sớm càng giúp bạn đến gần với những dự định tương lai.

2. Dạy trẻ hiểu về giá trị tiền bạc

Với nhiều bậc phụ huynh, việc trò chuyện cùng con về tiền bạc là điều mà họ không mong đợi. Tuy nhiên, việc dạy con những kiến thức về tiền bạc là điều cần thiết. Và quan trọng, đặc biệt khi còn nhỏ.

Hiện nay tại chương trình của Bộ Giáo Dục chưa đưa những kiến thức này vào trường lớp để giảng dạy cho trẻ. Vì thế, việc dạy con hiểu giá trị đồng tiền là việc mà các bậc cha mẹ nên thực hiện, khi trẻ càng nhỏ càng tốt. 

Ở các nước phương Tây, họ chú trọng cách dạy con về tiền bạc. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc hình thành lối sống tự lập của con cái sau này. 

Tuy nhiên, ở Việt Nam chủ đề này chưa được nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Chưa coi chúng là một vấn đề quan trọng mà cha mẹ cần dạy cho con cái của mình.  

Tùy thuộc vào từng môi trường sống, nhận thức của từng trẻ mà sẽ có cách tiếp cận khác nhau. Ở phương Tây, cha mẹ thường dạy con hiểu về giá trị tiền bạc khi 3 – 4 tuổi. Còn ở Việt Nam, các chuyên gia khuyên rằng nên dạy trẻ ở độ tuổi 5 – 6 tuổi. 

Theo chuyên gia, việc dạy con hiểu về giá trị và ý nghĩa của đồng tiền là điều không hề dễ dàng. Vì đây là những kiến thức khá trừu tượng và xa lạ với cuộc sống của các con. Vì thế, các bậc cha mẹ nên giúp con thông qua những phương pháp dưới đây:

Qua trò chơi – Cách dạy con hiểu giá trị tiền bạc hiệu quả

Cha mẹ hãy chỉ cho con cách nhận biết màu sắc và hình dạng đồng tiền. Thông qua các trò chơi mua sắm, trao đổi.

Ở thời điểm này, cha mẹ nên chỉ cho con về giá trị của những mệnh giá nhỏ như 1 nghìn, 2 nghìn, 5 nghìn, 10 nghìn,…

Sau đó quy đổi chúng thành giá trị của cải, tài sản. Chẳng hạn, nếu con muốn mua một món đồ chơi, cha mẹ nên quy ra giá trị tiền bạc để con thấy được giá trị của chúng. 

Giá trị của món đồ chơi này tương đương với 10 quyển sách của con. Như vậy, con sẽ thấy được giá trị là ít hay nhiều. Hoặc có thể quy ra ngày công làm việc của cha mẹ và hỏi ngược lại con. Con có muốn cha mẹ vất vả vậy không?

Quá trình nuôi dạy con là điều không hề dễ dàng, các bậc cha mẹ cần có kế hoạch cụ thể cũng như kiên trì cùng các con. Đặc biệt, trong việc dạy con hiểu giá trị tiền bạc. 

Những điều cần biết về tiền bạc
Ảnh minh họa – Dạy trẻ hiểu về giá trị tiền bạc thông qua các trò chơi

Cho con làm việc nhà

Cha mẹ có thể dạy cho con trẻ nhận ra giá trị đồng tiền bằng cách cho chúng làm việc nhà sau đó trả công.

Đây cũng là một trong những cách giúp con nhận ra giá trị của tiền bạc. Đồng thời cho chúng biết để kiếm được đồng tiền không hề đơn giản.

Nhưng đây lại là một trong những chủ đề gây tranh cãi. Một vài phụ huynh cho rằng đây không phải là ý tưởng phù hợp. 

Tuy nhiên, có thể đây là cách duy nhất để các con hiểu mối quan hệ giữa tiền bạc và lao động, phải làm việc để có tiền. Khi hiểu được mối quan hệ này, chúng sẽ không ỷ lại vào người lớn nhiều. 

3. Giúp con phân biệt khái niệm “cần” và “muốn”

Dạy trẻ hiểu giá trị tiền bạc chính là cách giúp con tiêu tiền một cách hợp lý. Hay dạy con hiểu về sự khác biệt giữa việc mua những thứ mình “cần”. Mua những thứ mình “muốn”. 

Ở trẻ nhỏ hay có tâm lý thói quen đòi cha mẹ, người lớn mua đồ hay so sánh với bạn đồng trang lứa. Vì vậy, việc phân biệt này có ý nghĩa quan trọng đối với con mà các bậc cha mẹ không nên bỏ qua. 

Trẻ nhỏ có thể gặp khó khăn trong việc hiểu và phân biệt hai khái niệm này. Vì đây là những kiến thức không hề dễ dàng đối với con. 

  • “Cần” là những đồ dùng con cần để sử dụng cho việc học tập hay sinh hoạt hàng ngày. Ví dụ như: cần mua một quyển tập để phục vụ cho việc học tại trường của con.
  • “Muốn” là những nhu cầu không cần thiết, chỉ là mong muốn hay con thấy bạn có thì con cũng muốn có.

Cho trẻ lựa chọn đồ con cần hay con muốn

Một chuyến đi thực tế sẽ giúp con học được điều này. Ví dụ, đi siêu thị, trung tâm mua sắm…

Trước khi đi, cha mẹ nên ngồi cùng con và lên danh sách các món đồ muốn mua trước khi đi. Và cho con thời gian suy nghĩ và hỏi con. Nên ưu tiên những món đồ nào khi cha mẹ không còn đủ tiền?

Nếu con chưa thể trả lời câu hỏi này. Cha mẹ nên gợi ý về những món đồ con “cần” dựa trên danh sách và loại bỏ những món đồ mang tính chất “muốn”. 

Điều này sẽ giúp con trẻ biết đâu là những món đồ cần thiết. Từ đó, hình thành thói quen mua sắm hợp lý. 

Tập thói quen mua đồ theo thời điểm

Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên tạo thói quen mua đồ theo thời điểm cho con. Ví dụ như: quần áo mới thường sẽ mua vào đầu năm học mới, dịp lễ tết. Hay đồ chơi mới sẽ mua vào dịp sinh nhật hay đạt thành tích học tập tốt.

Điều này sẽ giúp các con có ý thức hơn trong việc mua sắm. Và tránh tình trạng đòi mua hay “làm nũng” để được mua những món đồ mới.

Đây cũng chính là động lực để các con phấn đấu học tập. Hay hoàn thành một nhiệm vụ nào đó khi được người lớn giao. Phần thưởng này sẽ phụ thuộc vào tầm quan trọng và mức độ con đạt được. 

Khi đó, cha mẹ nên khuyến khích và giúp con hoàn thiện hơn nếu con chưa đạt được kết quả tốt. Hãy là người bạn của con để lắng nghe, động viên tinh thần cho con để hoàn thành tốt những công việc tiếp theo. 

Những điều cần biết về tiền bạc
Ảnh minh họa – Tạo thói quen mua đồ theo thời điểm cho con cái

4. Dạy trẻ cách tiết kiệm tiền bạc

Thông thường trẻ nhỏ chỉ thấy cha mẹ chi tiêu, mua sắm mà không thấy kế hoạch tiết kiệm hay đầu tư. Vì vậy, khi dạy con hiểu về giá trị tiền bạc bạn nên giúp con hiểu tổng quan về các vấn đề cơ bản như: chi tiêu, tiết kiệm và cách sử dụng khác. 

Điều này sẽ giúp trẻ nhỏ có cái nhìn khái quát, để chúng có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc sử dụng đồng tiền của mình. 

Trẻ dưới 8 tuổi có thể hiểu rằng, khi con không đủ tiền để mua món đồ con muốn. Con có thể dành dụm tiền cho đến khi đủ để mua.

Đây là bước quan trọng giúp con hình thành thói quen chi tiêu. Cha mẹ cần kiên nhẫn để hướng dẫn con cái. 

Tập cho trẻ nguyên tắc chia nhỏ

Chuyên gia tài chính khuyên rằng, cha mẹ có thể áp dụng nguyên tắc chi tiêu cho con trẻ đó là: chia nhỏ quỹ tiền thành các phần khác nhau để thực hiện kế hoạch tiết kiệm. Chẳng hạn: 

  • 30% đầu tiên cho các khoản chi như: Đồ dùng học tập, ăn sáng, ăn vặt…
  • 30% tiếp theo dành cho tiết kiệm ngắn hạn: Con có thể dành dụm để mua quà tặng cho bạn bè, ông bà, cha mẹ vào dịp sinh nhật.
  • 30% tiết kiệm dài hạn: Đây là khoản con nên để dành cho tương lai. Khi con lớn con cần chi tiêu và độc lập để lo cho cuộc sống khi bước vào đại học, hay khởi nghiệp.
  • 10% còn lại dành cho từ thiện: Khoản này để giúp đỡ và hỗ trợ cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn. Con có thể mua sách, vở, bút để tặng cho bạn.

Trò chơi giả định

Thêm một phương pháp nữa mà các bậc phụ huynh có thể tham khảo. Đó là cùng con tham gia trò chơi giả định.

Bố mẹ đóng vai là người giữ tiền, tất cả các khoản tiền con đang có hay tiền mừng tuổi. Con có thể gửi bố mẹ để lấy lãi và con có thể ghi chép chúng lại.

Đây giống như một trò chơi nhưng liên quan tới tính toán và con thấy nó có sinh lời. Hoặc ví dụ về những món đồ chơi con không dùng đến chúng. Có thể chia sẻ cho bạn khác thông qua các hội chợ tại trường học. Hay công ty của cha mẹ để có một khoản tiền nhất định.

Điều quan trọng, chính là dạy con cách tích lũy tiền nhỏ để mua những món đồ lớn. Sẽ giúp con có ý thức và trách nhiệm trong việc tiết kiệm để hoàn thành mục tiêu.

Những điều cần biết về tiền bạc
Ảnh minh họa – Giúp con trẻ hiểu giá trị đồng tiền thông qua trò chơi giả định

5. Cho con bao nhiêu tiền là đủ? 

Mỗi độ tuổi sẽ có nhận thức về tiền bạc khác nhau. Do đó cha mẹ nên có những phương pháp khác nhau để phù hợp với các con.

Những bài học dạy con hiểu về giá trị tiền bạc của trẻ khi 5 – 6 tuổi sẽ khác với trẻ ở độ tuổi 6 – 9. Hơn nữa, khi trẻ càng lớn, nhận thức về tiền bạc cũng dễ dàng hơn.

Ở giai đoạn này, trẻ có thể hiểu về tính toán và biết đọc chữ. Khi đó, nhận thức về tiền bạc của trẻ cũng rõ ràng và khái quát hơn. 

Thời điểm này, cha mẹ nên dạy con về cách chi tiêu sao cho hợp lý bằng cách cho con tiền tiêu vặt. Đây chỉ là khoản tiền mà con sẽ được nhận hàng tháng, giá trị không quá lớn. 

Vậy nên cho con bao nhiêu tiền là đủ? Đây là một trong những chủ đề được bậc phụ huynh quan tâm. 

Không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này. Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính cho biết. Các bậc cha mẹ có thể áp dụng công thức: 

Số tuổi của con x Số tiền tiêu vặt trong 1 tuần x 4 tuần

Lưu ý: Số tiền tiêu vặt trong 1 tuần của con do cha mẹ quyết định. Phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện kinh tế gia đình mà có sự khác nhau. 

Tham khảo ví dụ minh họa:

Giả sử, một gia đình có hai con. Một bé 9 tuổi và bé 6 tuổi. Số tiền tiêu vặt hàng tuần của hai con là 20.000 đồng. Áp dụng công thức trên, tính toán số tiền mà hai con sẽ có là:

  • Bé lớn 9 tuổi: 20.000 x 9 x 4 = 720.000 đồng
  • Bé nhỏ 6 tuổi: 20.000 x 6 x 4 = 480.000 đồng

Hàng tháng, các con sẽ có lần lượt số tiền để chi tiêu là 720 nghìn và 480 nghìn. Đây được coi là số tiền khá lớn đối với các con trong khi con chưa có nhu cầu để chi tiêu nhiều.

Nhưng hãy áp dụng theo nguyên tắc chi tiêu 30:30:30:10. Lúc này, con phải dành đến 60% để tiết kiệm, như vậy số tiền còn lại để các con chi tiêu trong 1 tháng sẽ là:

  • Bé lớn 9 tuổi: 720 nghìn  – (720 x 60%) = 288 nghìn
  • Bé nhỏ 6 tuổi: 480 nghìn – (480 x 60%) = 192 nghìn

Khi đó, số tiền 288 nghìn và 192 nghìn là hạn mức tối đa mà hai con được chi tiêu. Nếu các con không chi tiêu, cha mẹ hãy gợi ý để vào quỹ tiết kiệm. Như vậy, tạo thói quen tiết kiệm khi không có nhu cầu.  

Khi áp dụng công thức này, sẽ tránh tình trạng ganh tị giữa các con đặc biệt với các gia đình đông con. Và cũng đồng nghĩa rằng, khi đến sinh nhật, số tiền tiêu vặt con nhận được sẽ tăng lên.  

Và thực tế cũng cho thấy rằng, với những bé ngày càng lớn thì nhu cầu chi tiêu của các con cũng cao hơn so với những bạn bé hơn. 

II. Tài chính cá nhân cho tuổi vị thành niên

1. Giai đoạn 10 – 16 tuổi 

Ở giai đoạn này trẻ bắt đầu có những thay đổi về tính cách, tâm sinh lý. Do đó, việc tiếp xúc với môi trường có ảnh hưởng không hề nhỏ đến các con.

Với những đặc điểm sinh lý riêng biệt, trẻ muốn khẳng định mình nên dễ thay đổi tính cách, hành vi ứng xử: 

  • Tính độc lập: Ít phụ thuộc vào cha mẹ.
  • Nhân cách: Cố gắng khẳng định mình như một người trưởng thành. 
  • Tình cảm: Bắt đầu có những mối quan hệ bạn bè ngoài xã hội, bộc lộ tình cảm, cảm xúc với mọi người. 
  • Tính tích hợp: Những thông tin thu thập từ bố mẹ, gia đình, trường lớp, xã hội… là cơ sở để tạo ra giá trị của bản thân tạo niềm tự tin và cách ứng xử. 
  • Về trí tuệ: Độ tuổi này thường thích lập luận, suy diễn sự việc theo quan điểm cá nhân.

Trong giai đoạn này trẻ mong muốn được làm chủ mọi thứ. Vì thế, cha mẹ nên để trẻ tự học cách chịu trách nhiệm với việc quản lý tài chính. 

Đồng thời, cũng đừng quên trao đổi, hỏi han các con về tình hình hiện tại. Nếu cần có sự hỗ trợ thì cha mẹ sẽ là người giúp đỡ kịp thời.

Trang bị cho con cái những kiến thức rộng lớn hơn về tài chính cá nhân. Chẳng hạn như kiến thức về: gửi tiền tiết kiệm ngân hàng, lãi suất, thẻ tín dụng, vay nợ…. Để lấp đầy bức tranh về quản lý tài chính trước 18 tuổi. 

Những điều cần biết về tiền bạc
Ảnh minh họa – Giai đoạn mà trẻ có nhận thức về giá trị tiền bạc rõ ràng

2. Giai đoạn 17 – 19 tuổi

Đây là giai đoạn mà trẻ đã lớn, chúng tự ý thức được những việc mà bản thân đã làm. Không muốn phụ thuộc vào người lớn. 

Do đó, ở thời điểm này cha mẹ có thể gợi ý cho trẻ về những kế hoạch tiền bạc trong tương lai như: gửi tiền tiết kiệm ngân hàng. 

Nếu con có một khoản tiền kha khá, tích lũy từ nhiều năm trước. Con có thể đem chúng gửi ngân hàng, sau vài năm con có thể rút chúng và sử dụng cho những mục tiêu của con. 

Đây là vấn đề mà cha mẹ hoàn toàn có thể trao đổi trực tiếp với con. Chẳng hạn, con sẽ gửi tiết kiệm số tiền này trong 4 năm con học Đại học. Sau 4 năm, con có thể rút để sắm một chiếc xe máy, thuận tiện cho việc đi lại và làm việc của con. 

Tuy nhiên, cũng không ít bạn trẻ không nghe theo gợi ý của cha mẹ. Vì thế, cha mẹ nên kiên nhẫn, thuyết phục con cái.

Hãy để chúng hiểu rằng, việc tiết kiệm là điều hoàn toàn cần thiết ở mọi thời điểm, mọi lứa tuổi. Tiết kiệm càng sớm, càng sớm thực hiện những dự định tương lai. 

Những điều cần biết về tiền bạc
Ảnh minh họa – Thiết lập mục tiêu tài chính

III. Tuổi 20 và những vấn đề liên quan đến tiền bạc 

1. Tạo thói quen chi tiêu hợp lý – Cách để quản lý tiền bạc hiệu quả

Khi bước sang tuổi 20, chúng sẽ phải chịu trách nhiệm cho chính cuộc sống của mình. Ở giai đoạn này, hầu hết là giai đoạn đi học trên thành phố lớn.

Lúc này, cuộc sống phải tự lập. Và nếu được trang bị và làm quen với cách quản lý tài chính từ trước, cuộc sống xa nhà sẽ dễ dàng hơn. 

Hiện nay phần lớn các gia đình đều trợ cấp cho cuộc sống và học tập của con cái. Do đó, dễ dẫn đến tình trạng chi tiêu không kiểm soát. Đầu tháng dư giả tiền bạc, cuối tháng không còn 1 xu trong túi.

Nếu con cái của bạn được trang bị những kiến thức về tiền bạc. Chúng sẽ biết cách quản lý đồng tiền của mình và chi tiêu hợp lý cho cuộc sống của mình. 

2. Bắt đầu thực hiện các mục tiêu tài chính

Việc quản lý tiền bạc không chỉ là thu – chi hợp lý, khoa học hàng tháng mà còn là xây dựng kế hoạch tiết kiệm, hiện thực hóa những mục tiêu tài chính tương lai. 

Thiết lập những mục tiêu tài chính trong tương lai là điều cần thiết mà ai cũng thiết lập cho mình. Khi có kế hoạch xây dựng càng sớm thì thời gian hoàn thành càng ngắn, hạn chế những rắc rối có thể xảy ra. 

Ở lứa tuổi này bạn không nên yêu cầu ở con cái quá nhiều. Chỉ cần cho chúng hiểu giá trị của việc tiết kiệm. Và nên định hướng những mục tiêu tài chính cho con trong thời gian tới mà phù hợp với con. 

Chẳng hạn, sau 2 – 3 năm nữa con sẽ tốt nghiệp Đại học. Nếu con chưa tìm được việc làm phù hợp, con sẽ sống như thế nào khi không có thu nhập? 

Bạn hãy đặt vấn đề và đưa ra những ví dụ có thể xảy ra với con cái bạn. Từ đó, cùng tìm cách giải quyết và đưa ra phương án khắc phục từ sớm. 

Trong trường hợp này, cuộc sống của con sẽ được duy trì, không gặp quá nhiều áp lực hay khó khăn trong cuộc sống đó chính là dựa vào khoản tiết kiệm của con.

Đó cũng chính là chỗ dựa để con chuyên tâm tìm kiếm công việc phù hợp với bản thân. 

Ngoài ra, có thể lấy những ví dụ thực tế từ người thân, bạn bè… để chúng thấy giá trị của việc quản lý tài chính cá nhân. Từ đó, chúng sẽ có động lực để xây dựng và thực hiện những mục tiêu tài chính.

IV. Những vấn đề về tiền bạc khi 30 tuổi

Tuổi 30 là giai đoạn hỗn loạn đối với nhiều cá nhân. Sẽ có nhiều sự kiện trong đời và những quyết định quan trọng được thực hiện như: mua nhà, kết hôn, sinh con, bắt đầu tiết kiệm cho quỹ giáo dục của con cái, hay xây dựng tiết kiệm cho quỹ hưu trí hoặc chăm chỉ làm việc để thăng tiến trong sự nghiệp. 

Do đó, sẽ gây lên những áp lực, khó khăn nhất định trong cuộc sống nếu bạn không xây dựng kế hoạch tài chính cho những mục tiêu này. 

1. Kế hoạch mua nhà 

Theo một khảo sát từ báo Vietnamnet thì có đến 58,3% mua được nhà trước 30 tuổi và có khoảng 33,3% còn lại vẫn đang sống cùng gia đình hoặc thuê trọ. 

Tuy nhiên, trong số 58,3% người sở hữu ngôi nhà trước năm 30 tuổi, thì có một phần lớn là nhờ sự hỗ trợ tài chính từ phía gia đình hoặc được thừa kế tài sản. 

Bên cạnh những bạn trẻ được hỗ trợ từ gia đình thì cũng có nhiều người “liều” vay ngân hàng để mua nhà. Có thể nói trở ngại về tài chính là một trong những nguyên nhân được chuyên gia đánh giá tạo ra sự khó khăn để người trẻ có thể an cư, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh. 

Mặc dù có nhiều khó khăn khi quyết định mua nhà trong giai đoạn 30 tuổi nhưng vẫn có đến 50% người đồng ý với điều này. Và ý kiến cho rằng không nên mua nhà trong giai đoạn này là khoảng 16,7%. Bên cạnh đó, cũng có một vài ý kiến khác. 

Có thể thấy việc nên hay không nên mua nhà trong giai đoạn 30 tuổi đã trở thành một vấn đề tranh cãi. Người đồng ý, người không đồng tình vì tài chính chưa đảm bảo, mạo hiểm đi vay rồi cuốn theo vòng xoáy trả nợ. 

Tuy nhiên, nếu nhìn theo chiều hướng tích cực thì việc đặt mục tiêu mua nhà trước năm 30 tuổi chính là động lực để hoàn thiện. Cải thiện năng suất trong công việc để đạt mức thu nhập cao hơn hay học cách kiểm soát chặt chẽ tài chính của mình.  

Nếu bạn có ý định mua nhà, không nên liều đi vay mượn mà hãy lên kế hoạch tài chính cụ thể, rõ ràng. 

Những điều cần biết về tiền bạc
Ảnh minh họa – Kế hoạch mua nhà

1.1. Chú ý khoản thanh toán đầu tiên

Nếu có ý định sở hữu một căn nhà. Bạn cần lên kế hoạch tài chính, tiết kiệm từ sớm, tập trung cho số tiền phải thanh toán khi mua nhà đầu tiên.

Bên cạnh đó, có thể tìm hiểu một số khoản thanh toán trả góp. Để đảm bảo khả năng thanh toán hàng tháng phù hợp với số tiền mà bạn có thể chi trả được.

Ví dụ, nếu tổng thu nhập của bạn dưới 20 triệu/ tháng. Bạn có thể chọn mua những căn nhà có trị giá dưới 1 tỷ đồng và tiến hành vay thêm vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi.

Tuy nhiên, hãy tham khảo thật kỹ về các gói vay, lãi suất từng năm. Việc cân đối này giúp bạn đảm bảo số tiền trả hàng tháng đúng hạn mà không bị chậm trễ, tránh tình trạng lãi mẹ đẻ lãi con.

1.2. Đánh giá tổng quan tình hình tài chính hiện tại

Việc mua nhà là một kế hoạch tài chính dài hạn. Không đơn giản là ngày một ngày hai. Vì thế trong quá trình lập kế hoạch mua nhà cần xem xét những nguồn thu ổn định để đảm bảo tài chính cho kế hoạch dài hơi này.

Cách tốt nhất nên tìm đến các chuyên gia tài chính để xem xét lời khuyên. Nghe tư vấn để đảm bảo rằng bạn có được sự lựa chọn đúng đắn trong quá trình mua nhà.

Theo chuyên gia tài chính, nên tích góp số vốn khoảng 50 – 60% giá trị căn nhà định mua. Chỉ nên vay thêm ngân ngân hàng hay người thân, bạn bè khoảng 40 – 50% để tránh bị nợ “đè”. 

Việc sử dụng căn nhà để cho thuê làm phòng trọ, mặt bằng kinh doanh…. cũng là ý tưởng không tồi. Giúp bạn kiếm được một khoản kha khá mỗi tháng để chi trả cho khoản vay lãi. 

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cân nhắc đến việc sở hữu căn nhà hoặc mảnh đất ở ngoại thành thành phố có điều kiện cơ sở hạ tầng và giao thông thuận lợi để tiết kiệm chi phí. 

1.3. Ưu tiên cho kế hoạch mua nhà 

Tự động trích lương vào tài khoản tiết kiệm

Đây là cách tốt nhất để bạn duy trì thói quen tiết kiệm. Hãy đăng ký mở thẻ tiết kiệm cùng ngân hàng bạn nhận lương để tự động trích một số tiền vào tài khoản tiết kiệm này.

Việc này giúp bạn kiểm soát chi tiêu chặt chẽ, tạo thói quen tiết kiệm. Hàng tháng bạn sẽ được hưởng lãi suất do gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng. Điều này giúp “tiền đẻ ra tiền”.

Nên xây dựng mục tiêu tiết kiệm xác định, chẳng hạn trong mỗi một năm bạn cần 120 triệu đồng.

Bạn chỉ cần chia con số này cho 12 tháng để xác định khoản trích tiết kiệm hàng tháng. Như vậy, mỗi tháng cần tiết kiệm 10 triệu đồng.

Tuy nhiên, đừng đặt khoản này quá cao so với thu nhập hàng tháng. Số tiền trích quá lớn sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại. Bạn sẽ gặp khó khăn trong việc chi tiêu hàng ngày, và có thể kế hoạch tiết kiệm sẽ bị phá sản.

Chỉ nên trích tối đa khoảng 20 – 25% tổng thu nhập cho khoản tiết kiệm. Để đảm bảo ổn định cuộc sống hàng ngày và duy trì kế hoạch tiết kiệm.

Cắt giảm những chi phí không cần thiết

Giảm bớt chi phí hàng ngày bằng cách cắt giảm chi tiêu không cần thiết. Hãy lập kế hoạch chi tiêu. Cân nhắc và tính toán kỹ càng các khoản chi phí sinh hoạt hàng tháng.

Hãy phân định rõ ràng các khoản chi cần thiết như: tiền thuê nhà; tiền ăn uống; tiền đi lại,.. Và các khoản không cần thiết như: giải trí; mua sắm; du lịch;…

Sau đó, hãy để riêng một khoản cho mục cần thiết này và hạn chế tối đa với khoản không cần thiết.

Và luôn nhớ rằng, chỉ mua đồ mình cần không mua đồ mình thích nếu như chúng không thực sự cần thiết.

Bạn cần biết đâu là mục tiêu chính của mình và ưu tiên thực hiện nó trước. Một căn nhà mơ ước chắc chắn sẽ đáng giá hơn một chiếc túi xách. Những bộ váy đắt tiền hay những buổi tụ họp tiệc tùng thâu đêm với bạn bè.

Gia tăng thu nhập

Để thực hiện kế hoạch mua nhà trong thời gian sớm nhất. Bạn nên kết hợp việc vừa tiết kiệm tiền, vừa gia tăng thu nhập.

Tìm một công việc làm thêm ngoài giờ hành chính không phải là một ý tồi. Công việc bán thời gian này sẽ đem về cho bạn một khoản thu kha khá hàng tháng.

Ngoài ra, đầu tư kinh doanh cùng bạn bè, người thân cũng là một ý tưởng tuyệt vời. Hay tham gia hình thức bán hàng online trên các kênh như facebook; zalo; instagram…

Nên cân nhắc để lựa chọn một công việc làm thêm phù hợp. Tuyệt đối không để ảnh hưởng đến công việc chính của bạn, đồng thời phải đảm bảo sức khỏe bản thân.

Những điều cần biết về tiền bạc
Ảnh minh họa – Gia tăng thu nhập để hoàn thành mục tiêu tương lai

2. Kế hoạch sinh con 

Quyết định sinh con là vấn đề quan trọng, cần phải thống nhất giữa vợ và chồng. Và bất cứ cha mẹ nào cũng mong muốn cho con cái một cuộc sống đầy đủ và sung túc.

Nhưng nếu bạn và gia đình không có kế hoạch chuẩn bị tài chính, chắc chắn rằng vấn đề nuôi con sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Do đó, lập kế hoạch tài chính sinh con là công việc đầu tiên mà bất kỳ cha mẹ nào cũng nên thực hiện để đảm bảo cân bằng tài chính gia đình. 

2.1. Xem xét tình hình tài chính hiện tại 

Đầu tiên, mỗi cặp vợ chồng cần kiểm kê lại tài sản, các khoản thu nhập – chi tiêu hàng tháng và những khoản vay nợ từ bên ngoài. 

Bạn cần tính toán để đưa ra con số cụ thể và chính xác. Từ đó, xây dựng kế hoạch chi tiêu sao cho hợp lý để chuẩn bị cho những dự định sắp tới. 

Bạn nên tính thời gian nghỉ dưỡng thai của người mẹ là bao lâu. Khi ở nhà có cần tìm kiếm những công việc để có thêm một khoản chi phí. 

Với những cặp vợ chồng trẻ, có mức thu nhập khá nên xem xét vấn đề này cẩn trọng. Như vậy, kế hoạch chuẩn bị tài chính sinh con mới được rõ ràng và không gây áp lực cho các thành viên trong gia đình. 

2.2. Liệt kê những khoản chi cần thiết 

Dưới đây là một vài khoản chi tiêu cơ bản trong kế hoạch chuẩn bị sinh con mà các cặp vợ chồng nào cũng nên có trong danh sách tài chính trước khi sinh con: 

Chi phí khám thai định kỳ

Trong suốt thời gian mang thai, bạn cần đăng ký làm các xét nghiệm và siêu âm để theo dõi tình trạng phát triển của thai nhi. 

Khoản chi phí này sẽ dao động từ 3 – 4 triệu đồng trong thời kỳ mang thai. Đây là mức chi phí trung bình, tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi gia đình mà chi phí thăm khám có thể cao hơn. 

Chi phí mua đồ dùng

Đây là một trong những chi phí chiếm phần lớn trong ngân sách chuẩn bị sinh con mà các cặp vợ chồng không thể bỏ qua. 

Các bậc cha mẹ cần tính toán kỹ càng trước khi quyết định mua đồ, chỉ nên chi trả trong khả năng cho phép. Tránh mua những đồ dùng không cần thiết, gây lãng phí. 

Những đồ sơ sinh, bạn có thể xin từ người thân, bạn bè để tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm dân gian thì đây cũng là cách để lấy vía từ những đứa trẻ ngoan ngoãn khác. 

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên sắm những đồ dùng như: tã bỉm, sữa, bình sữa, khăn, chăn, sữa tắm, bông gạc… cho bé. 

Chi phí cho những khoản này khá lớn, đặc biệt là sữa. Cha mẹ nên mua những loại sữa phù hợp với con, không nên mua cùng lúc nhiều loại sữa. 

Những điều cần biết về tiền bạc
Ảnh minh họa – Xây dựng kế hoạch chuẩn bị sinh con
Chi phí cho mẹ

Ngoài khoản chi phí cho con, chi phí cho mẹ cũng là một trong những khoản không thể thiếu trong danh sách chuẩn bị tài chính khi sinh con. 

Trong quá trình mang thai, bà bầu cần được bổ sung thêm nhiều dinh dưỡng và dưỡng chất để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé. 

Các loại Vitamin, đạm, sữa, thực phẩm dinh dưỡng,… sẽ tốn không ít chi phí mà các cặp vợ chồng nên tính toán kỹ càng.

Nếu điều kiện tài chính ở mức trung bình. Nên tham khảo những sản phẩm có mức giá trung bình trên thị trường để đảm bảo cân đối tài chính gia đình. 

Bên cạnh đó, chi phí mua quần áo bầu cũng không ít. Để tiết kiệm chi phí, bạn nên mua vừa đủ và nên mua những sản phẩm chất lượng tốt để đảm bảo thoải mái cho bà bầu cũng như sử dụng cho lần mang thai sau. 

Chi phí sinh con

Đây là khoản chi phí quan trọng mà bạn không thể bỏ qua trong ngân sách chuẩn bị tài chính sinh con. 

Chi phí này bao gồm: chi phí sinh mổ, chi phí nằm viện, chi phí tiêm sau sinh cho con và một vài chi phí phát sinh khác. Do đó, bạn nên tìm hiểu kỹ càng về các gói sinh nở để lựa chọn bệnh viện phù hợp với khả năng tài chính. 

Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý đăng ký mua bảo hiểm thai sản trước khi sinh con. Hoặc tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ để khi sinh nở sẽ được rút một khoản tiền từ bảo hiểm. Khoản tiền này không hề nhỏ, giúp gia đình bạn trang trải chi phí nuôi con từ 6 tháng đến 1 năm. 

Tiền thai sản sẽ phụ thuộc vào gói bảo hiểm mà bạn mua hay thời gian tham gia bảo hiểm mà sẽ có mức khác nhau. Nếu gia đình quyết định sinh con, bạn nên cân nhắc và tính toán kỹ vấn đề này.

V. Kế hoạch tài chính ở tuổi 40 

1. Hoàn thành mục tiêu

Những mục tiêu tài chính còn lại như: tiết kiệm quỹ giáo dục cho con cái, quỹ hưu trí, phụng dưỡng cha mẹ… sẽ được tiếp tục thực hiện và hoàn thành khi bạn ở tuổi 40. 

Ở độ tuổi này bạn sẽ có một vài thứ mà đó được coi là giá trị, chẳng hạn như: 

  • Sự nghiệp vững chắc hay mức thu nhập ổn định và cao hơn.
  • Bạn có những kỹ năng và kinh nghiệm trong công việc.
  • Gia đình và con cái.

Lúc này, bạn cần thực hiện những dự định tài chính còn dang dở và tính toán đến những dự định lâu dài như: thiết lập quỹ giáo dục cho con cái, xin việc cho con…

2. Chuẩn bị kế hoạch tài chính từ sớm

Phần lớn các gia đình Việt hiện nay đều chu cấp cho con cái khi chúng vào Đại học hay đi du học. Do đó, việc chuẩn bị tài chính là điều cần thiết. 

Chi phí học tập mỗi năm là không ít, thời gian kéo dài từ 3 – 5 năm. Ngoài những chi phí học tập thì chi phí sinh hoạt hay những khoản chi phát sinh khác sẽ tốn của bạn không ít. 

Như vậy, khi có thể bạn hãy xây dựng kế hoạch tài chính càng sớm càng tốt. Đảm bảo những dự định được thực hiện và có những điều chỉnh kịp thời. 

Chẳng hạn, con cái của bạn hiện 10 tuổi. Sau 8 nữa chúng vào Đại học. Như vậy bạn sẽ có 8 năm để chuẩn bị cho quỹ này. 

Với mức thu nhập 40 triệu/ tháng. Có thể trích 3 triệu đồng mỗi tháng. Trong 1 năm bạn sẽ có 36 triệu đồng. Sau 8 năm bạn sẽ có 288 triệu đồng trong quỹ giáo dục cho con cái. 

Đây có thể là con số không quá nhiều, nhưng đó cũng là cách để gia đình giảm bớt gánh nặng về tài chính. Ngoài ra, đó cũng chính là cách để bạn và gia đình có kế hoạch chi tiêu tiết kiệm và hợp lý hơn. 

Ngoài ra, bạn có thể rút ngắn thời gian hoàn thành kế hoạch hay tích lũy nhiều hơn bằng cách tìm kiếm những công việc để gia tăng thu nhập. 

Những điều cần biết về tiền bạc
Ảnh minh họa – Xây dựng quỹ giáo dục cho con cái

VI. Tập trung xây dựng quỹ hưu trí khi 50 tuổi 

1. Nghỉ hưu? Bạn đã từng nghĩ đến?

Ở các nước khác trên thế giới họ đều có kế hoạch xây dựng tài chính để nghỉ hưu. Thậm chí, những bạn trẻ cũng có ý thức về việc kiếm tiền và tiết kiệm tiền bạc cho lúc nghỉ hưu. 

Nhưng ở Việt Nam, khái niệm này còn khá mới lạ và rất ít người có ý thức để chuẩn bị kế hoạch dài hơi này. 

Bạn không thể cho rằng đó là trách nhiệm của con cháu, để trở thành gánh nặng của chúng. Hay chờ đợi những chính sách dành cho người cao tuổi từ xã hội. Hoặc trông chờ vào khoản lương hưu. 

Thực tế cho thấy, không phải ai cũng có có khoản tiền lương hưu khi về già. Còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và hoàn cảnh của mỗi người.

Theo quy định, người lao động được hưởng lương hưu khi có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội. Nam phải đủ 60 tuổi và nữ phải đủ 55 tuổi. Mức hưởng bảo hiểm tối đa là 75%.

Những điều cần biết về tiền bạc
Ảnh minh họa – Thiết lập kế hoạch nghỉ hưu càng sớm càng tốt

2. Cách tính mức lương nghỉ hưu 2019

Dưới đây là cách tính mức lương nghỉ hưu năm 2019, bạn có thể tham khảo:

Lương hưu = Tỷ lệ hưởng lương hưu x Mức bình quân tiền lương đóng hàng tháng

2.1. Tỷ lệ hưởng lương hưu

Theo Nghị định 115/2015/NĐ – CP, tỷ lệ lương hưu phụ thuộc vào giới tính, số năm tham gia bảo hiểm. Cụ thể: 

  • Lao động nữ nghỉ hưu 2019, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng là 45%. Tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội. Nếu thời gian tham gia dài hơn, mỗi năm tính thêm 2%, mức tối đa là 75%.
  • Với lao động nam nghỉ hưu 2019, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng là 45%. Tương ứng với 17 năm đóng bảo hiểm xã hội. Thêm mỗi năm đóng bảo hiểm tính thêm 2%, mức tối đa 75%.

Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu đối với người về hưu 2019 là:

  • Nữ = 45% + (Thời gian tham gia BHXH – 15 năm) x 2%. 
  • Nam = 45% + (Thời gian tham gia BHXH – 17 năm) x 2%.

2.2. Cách tính mức bình quân tiền lương đóng BHXH hàng tháng

  • Đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định:

Mức bình quân tiền lương hàng tháng = Tổng số tiền lương đóng BHXH / Tổng số tháng đóng BHXH

  • Đối với người lao động vừa có thời gian đóng BHXH theo tiền lương do người sử dụng lao động quyết định. Vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định:

Mức bình quân tiền lương hàng tháng = (Tổng số tiền lương đóng BHXH theo chế độ người sử dụng lao động quyết định + Tổng số tiền lương đóng BHXH theo chế độ tiền lương Nhà nước quy định) / Tổng số tháng đóng BHXH.

  • Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định:

Mức bình quân tiền lương hàng tháng = Tổng số tiền lương đóng BHXH của năm cuối trước khi nghỉ việc / (Số năm cuối trước khi nghỉ việc x 12 tháng). 

Trên đây là cách tính tiền lương hưu khi nghỉ hưu năm 2019. Tùy thuộc vào từng hoàn cảnh mỗi cá nhân và mỗi năm khác nhau mà sẽ có những thay đổi theo quy định của Nhà nước.

Ngoài ra, việc tìm kiếm những công việc khi nghỉ hưu cũng là môt ý tưởng không tồi. Vừa giúp cơ thể khỏe mạnh, vừa tạo ra nguồn thu nhập hàng tháng.

Dạy học, bảo vệ, giữ trẻ, kinh doanh tạp hóa… là những công việc được nhiều người lựa chọn sau khi về hưu.

Tuy nhiên, cần cân nhắc tới tình trạng sức khỏe của bản thân. Đừng đặt nặng vấn đề cần kiếm tiền, mà hãy coi đó là niềm vui khi nghỉ hưu. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây