Người Việt tiêu xài lãng phí, thiếu gan làm giàu

0
1341

Những điểm yếu trong làm ăn buôn bán và các hoạt động kinh tế của người Việt được các nhà trí thức nửa đầu thế kỷ XX phê phán mạnh mẽ.

Người Việt tiêu xài lãng phí, thiếu gan làm giàu

Lãng phí, thua kém tài trí trong làm ăn

Nhà báo Lương Dũ Thúc cho rằng người Việt tiêu xài quá đáng. Ông viết trên Nông Cổ Mín Đàm (1902): Người bổn quốc lâu nay tục thành (đã thành tập quán) giữ sự độc lợi (lợi riêng một mình), không chịu lo xa hễ có nhiều xài nhiều, còn có ít lại không biết xài ít, bởi vậy cho nên tham lợi vô cớ, đặng có cho mau mà xài chơi xởi lởi, kẻo thấy chúng (mọi người, bàn dân thiên hạ) xài phí chơi bời mà mình không đặng vậy thì buồn.

Tính hay liều về việc phi lý, gan về cách phi nghĩa, chớ chi (có thể hiểu như “giá kể”) mà điều liều phi lý và phi nghĩa đó, để mà đổi cho những điều có nghĩa lý, thì người chúng ta có phước ra thế nào.

Trong một bài viết trên Lục Tỉnh Tân Văn (1907), nhà báo Trần Chánh Chiếu cho rằng người Việt chơi bời lãng phí. Theo tục ông bà để lại, hễ mãn một năm thì ăn tết một lần, ấy cũng là phải.

Sao tôi thấy hễ tới ngày ấy, ai ai cũng đốt pháo, dựng nêu, treo bùa tứ tung ngũ hoành, đánh đáo đánh quần tới bảy bữa, rồi nào me, nào lú (“đánh me” là gây ăn thua trong cuộc chơi tiền, “lú” là cuộc con nít dùng tiền mà đánh đố), bài cào, xóc đĩa tổ tôm đủ thứ.

Thậm chí có ông ăn tết rồi thì bán nhà bán cửa nợ réo trước réo sau. Đã bần nhược lại đãi đọa (biếng nhác) vậy thì biết chừng nào mà giàu có như người ta đặng.

Không chỉ mải chơi, hoang phí, người Việt còn thua kém trong tài trí. Tản Đà viết trên An Nam tạp chí (1931): Nghĩ như nước ta, ruộng đất tốt, rừng núi nhiều, các mỏ có, phận đất duyên hải cũng thật dài, vậy mà cuộc kinh tế mỗi ngày mỗi khó, thời là sao?

Nói về tài trí, quốc dân ta thứ nhất đã kém về cơ khí cho nên công nghệ phải thua. Vật xấu mà giá bán đắt hơn thời còn mong gì tiêu thụ cho ngoại quốc. Ngay trong bản quốc, vẫn phải cần dùng đồ nước ngoài. Bài trừ ngoại hóa chẳng qua là câu chuyện nói chơi, khó thay sự thực.

Như ở Nam Kỳ nhà máy xay gạo của người ngoại quốc thì không sao; người nước ta chỉ có một cái nhà máy xay mà cháy. Ở mặt bể, tàu của người ngoại quốc thời không sao, người nước ta có một cái tàu Bình Chuẩn mà chìm. Nghĩ ra cũng là tài trí thua kém.

Nói về tư bản (của cái vốn liếng), nguyên người nước ta đã không lấy đâu có được nhiều người có tư bản to ví với người ngoại quốc, mà sự chiêu phần (gọi người mua cổ phần) lập hội thời cái bụng ăn ở với nhau kém, cho nên không mấy hội được bền, nghĩ chỗ đó thật đáng buồn mà có nói lắm cũng vô ích.

Thiếu gan làm giàu, không chuyên nghiệp

Nhà báo Lương Dũ Thúc cũng cho rằng người Việt thiếu gan làm giàu. Ông viết trên tờ Nông Cổ Mím Đàm: Cách đại thương (buôn bán lớn) là có gan làm giàu.

Người ta phí bao nhiêu tiền bạc mà không sợ mất là vì người ta tiên liệu đại lợi (tính trước rằng sẽ lãi lớn), kể chi sự phí. Chớ như người bổn quốc ta, muốn cho thấy trước mắt có lợi mới chịu làm.

Nếu đem đại thương mà sánh với bán hàng bông (hàng hoa quả, bông trái) thì bán hàng bông ắt thấy lợi trước mắt, hễ mua sớm mai thì chiều thấy lợi, còn mua chiều sáng thấy; chớ như đại thương thì ít nữa là năm năm, còn nhiều hơn là mười năm mới thấy lợi. Song so lợi dễ thấy thì là lợi ít (…) còn lợi mà lâu thấy thì thật lớn lắm.

Người nước nào đều có ngay gian xấu tốt, họ không phải là tiên phật chi hơn mình, song họ làm rồi thì quen, còn người mình không làm, nên cứ nghi hoặc hoài mà thôi.

Trong lao động, người Việt không có nghề nào đạt tới trình độ chuyên nghiệp. Phan Kế Bính viết trong Việt Nam phong tục: Phần nhiều người nước ta chỉ nô nức về đường công danh sĩ hoạn, mà coi nghề buôn bán là một nghề khinh thường.

Người giàu có cho con đi học mong cho con về sau nhất ra thì làm nên ông nghè ông bảng, chớ nào ai mong cho con mai sau làm nên bác lái này ông lái nọ.

Người làm quan trở về thì lấy gió mát trăng thanh, cúc thơm lan tốt, chè chuyên thuốc quấn, đàn ngọt hát hay làm vui thú, chớ nào ai thiết gì ông chủ cửa hàng nọ ông quản lý cửa hiệu kia. Mà đủ bát ăn thì cũng lấy sự thanh nhàn làm thú trên đời, còn việc buôn bán thây mẹ đĩ.

Té ra bao nhiêu ông việc buôn bán phần nhiều ở trong tay người đàn bà và ở trong bọn mấy chú lái thì mong sao mở mang ra to được?!

Lại như việc chữa bệnh, xưa kia nước ta không biết trọng nghề làm thuốc, thường cho là một nghề nhỏ mọn, không mấy người lưu tâm. Chốn dân gian chỉ những người bất đắc chí trong đường khoa cử mới xoay ra xem sách thuốc để lấy nghề sinh nhai.

Phần nhiều là những người thiển học (học nông cạn), rồi cũng dám lên mặt ông lang đi khắp chợ cùng quê để chữa bệnh cho thiên hạ. Mạch thấy nắm cũng nắm, mà có hiểu thế nào là mạch thực mạch hư; bệnh thấy xem cũng xem, mà có hiểu thế nào là bệnh hàn bệnh nhiệt.

Đệm thâm một nắm lá xì xằng cho gói thuốc to, để lấy cho đáng đồng tiền của người ta. Cũng may dân ta phần nhiều còn dại dột, sống chết đổ tại số, chớ không thì các ông lang ấy chắc không ăn ngon ngủ yên.

Theo Zing

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây