Nên làm gì khi đứng trước nguy cơ phá sản?

0
1747

Phá sản có thể coi là “bước đường cùng” của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình hình vẫn có thể khả quan hơn nếu bạn biết được những lưu ý dưới đây.

Nên làm gì khi đứng trước nguy cơ phá sản?

Ngoài việc yếu kém về năng lực hoặc bị chèn ép, nguyên nhân phá sản có thể do nội bộ bất ổn, dư thừa nhân công, hoặc không kịp định hướng lại chiến lược kinh doanh phù hợp với hoàn cảnh mới.

Mặc dù rất khó khăn, nhưng bạn vẫn có thể thoát khỏi tình trạng khủng hoảng tài chính hay phá sản để có một khởi đầu mới tốt đẹp nếu biết được những lưu ý dưới đây.

1. Lắng nghe lời khuyên từ chuyên gia tư vấn

Doanh nhân khi đến thời kỳ phá sản chẳng khác nào người giàu bị bệnh hiểm nghèo. Ðể chữa bệnh, không còn cách nào khác là phải tìm cho được một bác sĩ giỏi.

Là người ngoài cuộc với kiến thức chuyên môn vững vàng, các chuyên gia tư vấn sẽ tìm ra những lối thoát, hoặc những hướng đi ít tồi tệ nhất cho công ty của bạn. Sau đó, họ sẽ giúp bạn phác thảo một kế hoạch mới với những gì còn lại.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể yêu cầu họ lập kế hoạch thanh toán và thương thảo với các chủ nợ cũ và mới. Các nhà tư vấn thường có quan hệ rất rộng và kỹ năng đàm phán tốt nên khả năng thành công chắc chắn cao hơn.

Nên làm gì khi đứng trước nguy cơ phá sản?
Ảnh minh họa – Chuyên gia tư vấn sẽ đưa ra lời khuyên hữu ích cho bạn

2. Mọi chuyện đều có thể giải quyết bằng đàm phán

Là chủ một doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản, chắc chắn những khoản nợ là gánh nặng khó buông bỏ của bạn. Chủ nợ là người mà bạn không bao giờ muốn đối diện lúc này. Tuy nhiên, mọi chuyện đều có thể giải quyết bằng đàm phán.

Hãy dũng cảm đàm phán với các chủ nợ. Cho họ thấy các kỹ năng, thành tích mà bạn đã đạt được khi điều hành công ty. Hãy để họ tin rằng tình trạng khủng hoảng hiện tại chỉ là một rủi ro không thể tránh khỏi chứ không phải do hạn chế về năng lực.

“Tất nhiên, bạn phải trưng ra được những con số kế toán cụ thể và những đối tác đã từng làm ăn thành công với bạn, cũng như mô tả về cách mà bạn đã làm và phương pháp xử lý một số vấn đề mà bạn thường dùng”, Clark Howard, đồng tác giả của cuốn “Cẩm nang làm giàu từ chính sách tiết kiệm” nổi tiếng ở Mỹ lưu ý.

Clark Howard cũng nhấn mạnh: “Đừng khăng khăng là bạn sẽ trả được nợ trong thời gian sớm nhất mà hãy cho họ biết một thời hạn và lộ trình trả nợ cụ thể. Những chủ nợ thân yêu của bạn có thể về nhà và yên tâm đợi 3 năm quay lại lấy tiền chứ không bao giờ quay về với lời hứa kiểu ‘sẽ cố trong thời gian sớm nhất’ như nhiều người vẫn nói”.

3. Những khoản chi tiêu xa xỉ là không cần thiết

Khi công ty làm ăn không thuận lợi, việc bạn thường xuyên đi du lịch, mua sắm những món đồ hiệu đắt tiền,… là hoàn toàn không cần thiết, vượt quá khả năng của bạn. Làm thế nào để cắt giảm những khoản chi này?

Đầu tiên, cần gom lại toàn bộ chứng từ, hoá đơn và xem mình đã lãng phí tiền bạc vào những khoản gì để tháng sau cắt giảm hẳn. Việc này có thể sẽ giúp bạn phát hiện ra một trong số những nguyên nhân đẩy mình tới tình trạng hiện nay.

Tiếp đến, hãy điểm lại xem những “thiết bị đốt bạc” nào đang tồn tại mà bạn có thể cắt giảm để tiết kiệm chi tiêu như: hạn chế đi xe hơi riêng, hoãn đóng bảo hiểm…

Đặc biệt, phải từ bỏ những thói quen xa xỉ như xài đồ hiệu, chơi golf, ăn nhà hàng… để tiết kiệm tối đa chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Nên làm gì khi đứng trước nguy cơ phá sản?
Ảnh minh họa – Đừng lãng phí tiền bạc vào viêc mua sắm hàng hiệu

4. Chuẩn bị kế hoạch thoát hiểm

Nên lập cho mình một kế hoạch thoát hiểm ngay từ bây giờ. Hãy tính đến trường hợp xấu có thể xảy ra, rằng bạn sẽ bị bỏ quên khi không còn gì.

Do đó, việc tạo ngân sách tiết kiệm dự phòng sớm chính là sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với những tình huống xấu có thể xảy ra trong tương lai.

5. Chia sẻ với gia đình

Nếu bạn đang mệt mỏi, bế tắc với tình hình ở công ty, hãy về nhà và giãi bày nó với những thành viên trong gia đình. Họ có lẽ không thể giúp bạn giải quyết những vấn đề tài chính nhưng chắc chắn sẽ sẵn sàng lắng nghe tâm sự của bạn.

Những lời khuyên nhủ, động viên của người thân sẽ là động lực rất lớn giúp bạn vượt qua khó khăn, vực lại tinh thần của mình.

Nếu doanh nghiệp của bạn đang đứng trước những ngày tháng khó khăn, đừng vội nản lòng. Hãy tỉnh táo và tìm ra hướng giải quyết tốt nhất cho mình và công ty. Sự thất bại này có thể là bước khởi đầu cho một thành công mới trong tương lai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây