5 lý do nên tạo ngân sách để quản lý chi tiêu hiệu quả

0
1351

Lập ngân sách là một trong những chiếc chìa khóa quan trọng giúp bạn quản lý tiền bạc hiệu quả. Ngân sách giúp tiết kiệm tiền và cho phép bạn chi tiêu nhiều hơn bằng cách tận dụng tối đa số tiền của mình.

5 lý do nên tạo ngân sách để quản lý chi tiêu hiệu quả

1. Hạn chế chi tiêu quá đà

Hiện nay, hầu hết mọi người đều chưa có thói quen lập ngân sách chi tiêu cho bản thân và gia đình. Đó chính là lý do khiến bạn thường xuyên rơi vào tình trạng bội chi mỗi tháng.

Điều này sẽ giới hạn khả năng chi tiêu của bạn trong tương lai. Bên cạnh những khoản chi cố định phải thanh toán như tiền nhà, điện nước, xăng xe… bạn sẽ phải đối mặt với hàng loạt khoản nợ tiêu dùng.

Do đó, việc lập ngân sách sẽ giúp bạn chi tiêu một cách hợp lý, có kế hoạch. Các khoản chi được phân chia thành từng mục như ăn uống, tiết kiệm, trả nợ…với số tiền nhất định. Việc bạn cần làm là kiểm soát và thực hiện nghiêm túc kế hoạch đã đề ra.

Tùy thuộc vào điều kiện và nhu cầu mua sắm của bản thân, mỗi người sẽ có cách phân chia ngân sách phù hợp cho riêng mình. Tuy nhiên, phải đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt và tiết kiệm hàng tháng.

5 lý do nên tạo ngân sách để quản lý chi tiêu hiệu quả
Ảnh minh họa – Phân chia ngân sách phù hợp với điều kiện và nhu cầu bản thân

Quy tắc 50/20/30

Bạn có thể cân nhắc việc chia ngân sách chi tiêu theo quy tắc 50/30/20 như sau:

  • 50% cho chi tiêu thiết yếu như tiền thuê nhà, ăn uống, điện nước…
  • 30% cho chi tiêu cá nhân như xem phim, du lịch…
  • 20% cho các mục tiêu tài chính như tiết kiệm, trả nợ…

Tuy nhiên, các con số này có thể thay đổi linh hoạt phù hợp với hoàn cảnh của từng người. Hãy tăng chi phí thiết yếu lên 60-70% nếu bạn thấy nó cần thiết hơn nhu cầu giải trí của bản thân.

Ví dụ, với thu nhập 10 triệu đồng/ tháng, bạn có thể chia ngân sách như sau: 5 triệu đồng dùng cho các chi tiêu thiết yếu; 3 triệu đồng dành để chi tiêu cá nhân và 2 triệu còn lại để tiết kiệm cho các mục tiêu tài chính trong tương lai.

Tuy nhiên, do chiếc TV cũ bị hỏng nên bạn dự định sẽ mua chiếc mới vào tháng tới. Để duy trì kế hoạch, bạn cần thay đổi ngân sách bằng cách tăng số tiền tiết kiệm lên 3 triệu đồng/ tháng. Đồng thời giảm bớt chi tiêu cá nhân xuống còn 2 triệu đồng, để đảm bảo ngân sách.

Phương pháp Kakeibo

Ngoài ra, có thể cân nhắc lựa chọn cách chia ngân sách theo phương pháp Kakeibo của người Nhật. Thu nhập hàng tháng của bạn sẽ được chia vào 4 phong bì:

  • Chi phí cơ bản: ăn uống, đi lại, hóa đơn…
  • Chi phí mở mang kiến thức: mua sách, xem phim,…
  • Chi phí không bắt buộc: nhà hàng, mua sắm…
  • Chi phí phát sinh: sửa xe, ốm đau…

Nếu tiêu hết tiền trong một danh mục nào đó, bạn có thể lấy tiền từ phong bì khác. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ còn ít tiền hơn để tiêu cho danh mục đó. Vì vậy, cần tính toán chi tiêu hợp lý để đảm bảo ngân sách đã đặt ra.

Phương pháp 50/50

Đơn giản hơn, bạn có thể chia thu nhập thành 2 phần. Một phần dùng để chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, phần còn lại dành để tiết kiệm.

Tóm lại, lập ngân sách càng cụ thể, rõ ràng, việc quản lý tiền bạc sẽ càng trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.

5 lý do nên tạo ngân sách để quản lý chi tiêu hiệu quả
Ảnh minh họa – Chia ngân sách theo quy tắc 50/20/30

→ Xem thêm: Hướng dẫn lập kế hoạch ngân sách cá nhân để đạt mục tiêu tài chính

2. Hoàn thành mục tiêu tài chính

Tạo ngân sách được xem như một kế hoạch tốt giúp bạn tối đa hiệu quả chi tiêu của bản thân. Khi tạo ngân sách, bạn có thể thiết lập kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm phù hợp để đạt được các mục tiêu tài chính như mua nhà, mua ô tô, cho con đi du học…

Ngân sách chi tiêu hiệu quả có thể giúp bạn thoát khỏi nợ nần, gia tăng tài sản hoặc bắt đầu một công việc kinh doanh mới. Ngân sách tạo ra kế hoạch, cho phép bạn theo dõi và thực hiện để đảm bảo đạt được mục tiêu của mình.

Ví dụ, với cách phân chia ngân sách 50/30/20 như trên, bạn sẽ tiết kiệm được 2 triệu đồng mỗi tháng. Từ con số này, bạn có thể tính toán mình sẽ cần bao nhiêu thời gian để hoàn thành mục tiêu mua xe? Nếu muốn rút ngắn thời gian, mình sẽ cần tiết kiệm thêm bao nhiêu tiền nữa mỗi tháng? Hoặc có nên tìm việc làm thêm để tăng thu nhập?

→ Xem thêm: Mẫu lập ngân sách và quản lý thu chi cho cá nhân, hộ gia đình

3. Tiết kiệm tiền

Thực tế, những người không lập ngân sách chi tiêu thường tiết kiệm được ít tiền hơn so với những người có ngân sách cụ thể. Bởi lẽ khi lập ngân sách, bạn chia tiền thành từng khoản nhất định. Điều này cho phép bạn tự động bỏ tiền vào tiết kiệm hoặc đầu tư mỗi tháng.

Lập ngân sách sẽ giúp bạn chi tiêu một cách khoa học, có khoản tiết kiệm nhất định hàng tháng dành cho các mục tiêu tài chính hoặc quỹ khẩn cấp. Đây chính là bước đệm để bạn xây dựng sự giàu có và tự do tài chính trong tương lai.

5 lý do nên tạo ngân sách để quản lý chi tiêu hiệu quả
Ảnh minh họa – Lập ngân sách giúp đạt tự do về tài chính

4. Không còn phải lo lắng về tiền bạc

Một số người nghĩ rằng lập ngân sách sẽ khiến việc chi tiêu của họ trở nên khó khăn. Sở thích mua sắm bị giới hạn, không thể tiêu xài thoải mái như trước kia. Điều này không hoàn toàn đúng!

Nếu ưa thích các hoạt động giải trí, bạn có thể dành nhiều chi phí cho khoản mục này. Miễn là các nhu cầu sinh hoạt và tiết kiệm khác vẫn được đảm bảo đầy đủ. Cần tuân thủ thực hiện đúng ngân sách đã đặt ra.

Ngân sách không phải để giới hạn nhu cầu, sở thích của bạn. Nó mở ra cơ hội tiêu dùng tốt hơn để bạn không phải bận tâm về vấn đề tiền bạc.

5 lý do nên tạo ngân sách để quản lý chi tiêu hiệu quả
Ảnh minh họa – Lập ngân sách không có nghĩa là bạn không được chi tiêu theo sở thích

5. Ngân sách đưa bạn vào tầm kiểm soát

Bạn đã bao giờ cảm thấy khó khăn khi kiểm soát chi tiêu của mình? Bạn luôn tự hỏi mình đã tiêu tiền cho những khoản mục gì? Tại sao tháng nào bạn cũng phải vay tiền chi tiêu trong khi thu nhập không hề thấp?

Lập ngân sách sẽ giúp bạn giải quyết những vấn đề này. Bạn sẽ chi tiêu và tiết kiệm  theo hạn mức đã định, luôn chủ động trong vấn đề tiền bạc. Điều này giúp bạn tránh rơi vào tình trạng bội chi hoặc phải đi vay mượn khi gặp tình huống khẩn cấp

Bên cạnh đó, lập ngân sách là cách tốt nhất để bạn tiết kiệm tiền hiệu quả, dễ dàng đạt được những mục tiêu tài chính mà mình đã đặt ra.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây