Để duy trì tài chính ổn định, đạt được những mục tiêu tài chính mà mình mong muốn, cần bắt đầu thói quen tiết kiệm tiền đúng cách. Hãy thử thực hiện 10 gợi ý dưới đây, bạn chắc chắn sẽ thấy tình hình tài chính của mình được cải thiện rõ rệt.

1. Lập ngân sách chi tiêu

Cách tốt nhất để tiết kiệm tiền đó là chi tiêu có kế hoạch. Vì vậy, lập ngân sách chi tiêu là bước rất quan trọng trong quản lý tài chính cá nhân.

Việc lập ngân sách giúp bạn chi tiêu có kế hoạch. Các khoản chi được phân chia thành từng mục như ăn uống, tiết kiệm, trả nợ… với số tiền nhất định. Việc bạn cần làm là kiểm soát và thực hiện nghiêm túc kế hoạch đã đề ra.

Tùy thuộc vào điều kiện và nhu cầu mua sắm của bản thân, mỗi người sẽ có cách phân chia ngân sách phù hợp cho riêng mình. Tuy nhiên, phải đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt và tiết kiệm hàng tháng.

Quy tắc 50/20/30

Theo quy tắc 50/20/30, ngân sách chi tiêu của bạn sẽ được phân bổ như sau:

  • 50% cho chi tiêu thiết yếu: thuê nhà, ăn uống, điện nước,…
  • 20% cho các mục tiêu tài chính: tiết kiệm, trả nợ,…
  • 30% cho chi tiêu cá nhân: du lịch, mua sắm, giải trí,…

Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể thay đổi linh hoạt để phù hợp với hoàn cảnh của từng người. Hãy tăng chi phí thiết yếu lên 60 – 70% nếu bạn thấy nó cần thiết hơn nhu cầu giải trí.

tiết kiệm tiền đúng cách
Lập ngân sách theo Quy tắc 50/20/30

Phương pháp 6 chiếc lọ

Đây là công thức để quản lý tài chính cá nhân được nhiều người trên thế giới áp dụng. Theo phương pháp này của T. Harv Eker, ngân sách được chia vào 6 chiếc lọ:

  • 55% cho nhu cầu thiết yếu: thuê nhà, ăn uống, điện nước,…
  • 10% cho quỹ tự do tài chính: đầu tư để tạo ra thu nhập thụ động.
  • 10% cho giáo dục: học tập, mua sách,…
  • 10% cho tiết kiệm dài hạn: mua nhà, trả nợ,…
  • 10% để hưởng thụ: du lịch, giải trí,…
  • 5% để cho đi: từ thiện, tặng quà,…

>> Xem thêm: 5 lý do nên tạo ngân sách để quản lý chi tiêu hiệu quả

2. Đặt ra các mục tiêu tài chính để có kế hoạch tiết kiệm tiền đúng cách

Bất cứ ai cũng đều có những mục tiêu tài chính trong suốt cuộc đời của mình. Chẳng hạn như mua xe, xây nhà, du lịch vòng quanh thế giới,…

Cách tốt nhất để tiết kiệm là có ý tưởng rõ ràng về những gì mình đang tiết kiệm. Hãy liệt kê các mục tiêu tài chính theo thứ tự ưu tiên và nhu cầu của bản thân mà bạn mong muốn thực hiện trong tương lai.

Mục tiêu càng rõ ràng, bạn càng có động lực làm việc để thực hiện kế hoạch tài chính của mình. 

Có thể xác định mục tiêu như sau:

Từ 0 – 3 năm

  • Thiết lập và thực hiện một kế hoạch chi tiêu phù hợp thu nhập. Nên chi tiêu ít hơn số tiền kiếm được.
  • Tạo một quỹ khẩn cấp bằng ít nhất 3 đến 6 tháng chi phí sinh hoạt cơ bản.
  • Thiết lập tín dụng có uy tín tốt.
  • Trả hết nợ lãi suất cao .
  • Thực hiện một kế hoạch tiết kiệm và đầu tư có kỷ luật.
  • Mua một chiếc xe.
  • Mua bảo hiểm phù hợp với hoàn cảnh của bản thân.
  • Chuẩn bị, thực hiện di ngôn và giấy ủy quyền.
  • Tiết kiệm để du lịch cùng gia đình.

Từ 3 – 7 năm

  • Đặt cọc để mua một ngôi nhà.
  • Lên kế hoạch tổ chức đám cưới.
  • Chuẩn bị cho việc sinh con hoặc nhận con nuôi.
  • Đầu tư cho việc học lên cao.

Trên 7 năm

  • Lập kế hoạch và tiết kiệm để đáp ứng các nhu cầu về thu nhập; chăm sóc sức khỏe và nghỉ hưu.
  • Lập kế hoạch và tiết kiệm để đáp ứng nhu cầu nhà ở khi nghỉ hưu.
  • Đầu tư cho giáo dục đại học cho con cái.
  • Lên kế hoạch phụng dưỡng cha mẹ khi về già.

>> Xem thêm: 7 bước thiết lập mục tiêu tài chính cá nhân đầy đủ nhất 2019

3. Cắt giảm những chi phí không cần thiết

Hãy cắt giảm các chi phí như đặt báo, truyền hình cáp, điện thoại cố định,… nếu như bạn không sử dụng thường xuyên. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm một khoản chi phí không nhỏ mỗi tháng.

Tự sửa chữa đồ dùng trong nhà thay vì thuê mướn cũng là một cách giúp bạn tiết kiệm tiền. Hãy học cách lắp đặt, sửa chữa cơ bản một số thiết bị, đồ gia dụng như bóng đèn, vòi nước,… 

tiết kiệm tiền đúng cách
Ảnh minh họa – Cố gắng cắt giảm tối đa những chi phí không cần thiết

4. Lên danh sách trước khi mua sắm

Hãy lập danh sách những món đồ mình cần trước khi đi mua sắm. Việc này không chỉ giúp bạn tiết kiệm thời gian mua sắm, mà còn cân đối được ngân sách chi tiêu phù hợp.

Bạn sẽ dự tính được con số cần chi cho mỗi đợt mua sắm để mang theo lượng tiền vừa đủ. Tránh trường hợp mang theo nhiều tiền, dễ sa đà vào việc mua sắm những món đồ không cần thiết.

Để tối ưu chi phí mua sắm, bạn có thể so sánh giá giữa các cửa hàng bằng việc tham khảo trên website, mạng xã hội,…

5. Chỉ mua thứ mình cần, không mua thứ mình thích

Đây được coi là nguyên tắc vàng giúp bạn tiết kiệm tiền đúng cách. Chỉ nên tiêu tiền cho những mục đích chính đáng, đáp ứng nhu cầu cần thiết của bản thân. 

Mua sắm theo sở thích có thể khiến bạn cảm thấy vui vẻ. Nhưng đó chính là nguyên nhân khiến bạn nhanh chóng rơi vào cảnh “cháy túi”.

Do đó, việc lên kế hoạch chi tiêu rất cần thiết nếu bạn muốn duy trì tài chính ổn định. Đồng thời, giúp bạn dễ dàng hiện thực hóa các mục tiêu tài chính trong tương lai. 

6. Sử dụng điện tiết kiệm

Tiết kiệm điện không chỉ giúp bạn giảm bớt gánh nặng hóa đơn hàng tháng, mà còn góp phần đảm bảo năng lượng quốc gia.

Một số bí kíp đơn giản giúp bạn sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình:

Tủ lạnh

  • Nên đặt tủ lạnh cách tường 5 – 10 cm và tránh xa các nguồn nhiệt.
  • Lau chùi tủ lạnh thường xuyên và đảm bảo tủ lạnh phải kín cửa.
  • Điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh phù hợp. Không nên để nhiệt độ quá thấp, gây hao tốn nhiều điện năng.
  • Không để các thực phẩm có nhiệt độ nóng hơn bình thường vào tủ lạnh.
  • Sắp xếp các thực phẩm trong tủ lạnh gọn gàng, ngăn nắp, không để tủ lạnh quá chật. 
  • Không nên ngắt tủ lạnh ra khỏi nguồn điện. Nên cắm điện cho tủ lạnh suốt ngày vì mỗi lần khởi động sẽ tốn một lượng điện lớn. Trong trường hợp lâu ngày không dùng đến tủ, hãy ngắt nguồn điện. Nhưng cần dọn sạch các đồ có trong tủ, vệ sinh tủ và để tủ khô rồi dùng vật phủ che bụi phủ lên.
  • Thường xuyên kiểm tra gioăng cao su. Nếu bị hở, bộ phận nén khí của tủ lạnh sẽ phải làm việc nhiều nên rất tốn điện.

Máy điều hoà nhiệt độ

  • Để nhiệt độ ở mức trên 20 độ C. Cứ cao hơn 10 độ C là bạn đã tiết kiệm được 10% điện năng.  
  • Vệ sinh định kỳ bộ phận lọc sẽ tiết kiệm được từ 5 – 7% điện năng. 
tiết kiệm tiền đúng cách
Ảnh minh họa – Nên mở điều hòa trên 20 độ C

Quạt

  • Rút phích cắm điều khiển từ xa ở quạt sau mỗi lần sử dụng.

Máy tính

  • Màn hình máy tính có độ sáng càng cao, màu càng đậm thì càng tốn điện. 
  • Nên tắt máy tính nếu như bạn không có ý định dùng trong vòng 15 phút.  
  • Chọn chế độ tiết kiệm điện năng trong máy tính (Screen Save) để vừa bảo vệ được máy, vừa giảm được khoảng 55% lượng điện năng tiêu thụ trong thời gian tạm dừng sử dụng máy.

Lò vi sóng

  • Không bật lò vi sóng trong phòng có điều hoà nhiệt độ.
  • Không đặt gần các thiết bị điện khác để khỏi ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của các đồ điện này.

TV

  • Không nên để màn hình ở chế độ sáng quá. 
  • Tắt TV bằng cách ấn nút ở máy thay vì dùng điều khiển từ xa. 
  • Nên chọn kích cỡ TV phù hợp với diện tích nhà. TV càng to càng tốn điện.

7. Lựa chọn thiết bị gia dụng đảm bảo chất lượng

Thiết bị gia dụng là những món đồ bạn sử dụng hàng ngày. Vì vậy, nên lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt để đảm bảo an toàn khi sử dụng.

Bên cạnh đó, thiết bị ít hỏng hóc, tuổi thọ kéo dài sẽ giúp bạn tiết kiệm một khoản tiền không nhỏ trong chi phí sinh hoạt. 

Các thiết bị điện thế hệ càng mới, càng có khả năng tiết kiệm điện cao hơn. Đối với các thiết bị điện vận động dạng vòng qua như máy bơm, quạt điện, máy giặt,… nên chọn sản phẩm có động cơ nhiều nấc tốc độ hoặc có biến tần đi kèm để tiết kiệm điện. 

Sử dụng bóng đèn huỳnh quang hoặc LED thay cho bóng đèn thông thường. Tuổi thọ bóng dài hơn trong khi lượng điện tiêu thụ ít hơn rất nhiều.

Nên sử dụng các thiết bị, đồ gia dụng có công suất vừa đủ và tính năng tiết kiệm điện. Nó thường có mức giá cao hơn các sản phẩm thông thường. Nhưng về lâu dài, nó giúp bạn tiết kiệm một khoản tiền điện không nhở.

Trong quá trình sử dụng, cần vệ sinh và bảo dưỡng thiết bị định kỳ để kéo dài tuổi thọ, hạn chế hao phí điện năng.

8. Hạn chế ăn ngoài

Ăn uống là nhu cầu thiết yếu của mỗi người. Nó chiếm một phần không nhỏ trong ngân sách chi tiêu hàng tháng của mỗi gia đình. Vì vậy, nếu không biết cân đối hợp lý, chi phí ăn uống có thể ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của bạn.

Hạn chế ăn ngoài là một trong những cách hiệu quả để tiết kiệm tiền. Những bữa cơm tại nhà không chỉ giúp bạn giảm thiểu chi phí, mà còn ngon miệng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Ngoài ra, bạn có thể áp dụng cách này cho những buổi liên hoan, gặp gỡ bạn bè. Không khí sẽ vui vẻ hơn khi mọi người cùng nhau nấu nướng và chuẩn bị đồ ăn. 

tiết kiệm tiền
Ảnh minh họa – Hãy thử cùng bạn bè tự nấu nướng và tổ chức tiệc tại nhà

>> Xem thêm: 9 mẹo tiết kiệm tiền ăn uống hàng ngày cho gia đình

9. Tránh xa nợ nần

Những món nợ luôn không chỉ đem lại gánh nặng về tiền bạc, mà còn khiến tâm lý của bạn bị áp lực. Nợ thẻ tín dụng, nợ ngân hàng,… đều khiến người vay cảm thấy lo lắng, bất ổn. Đặc biệt là những khoản vay lãi suất cao.

Hạn chế vay mượn sẽ giúp bạn có đời sống tài chính lành mạnh. Các kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm được duy trì đều đặn, không bị ảnh hưởng bởi nợ nần. Để đạt được điều này, cần chuẩn bị quỹ khẩn cấp để dự phòng cho những tình huống bất ngờ như bệnh tật, thất nghiệp,…

Theo các chuyên gia tài chính, cần lập quỹ khẩn cấp có giá trị bằng 3 – 6 tháng chi phí sinh hoạt thông thường. Như vậy mới đảm bảo tài chính của bạn ít bị ảnh hưởng khi có rủi ro xảy ra. 

Tuy nhiên, nếu trong trường hợp bạn đang có một hoặc một vài món nợ, hãy lập kế hoạch để giải quyết vấn đề này. Cần đưa ra con số cụ thể về thời gian và số tiền mà bạn phải thanh toán khoản nợ.

Có nhiều phương pháp để bạn thanh toán nợ nần nhanh chóng và hiệu quả. Nhưng tốt nhất, nên ưu tiên giải quyết những món nợ có lãi suất cao trước. Như vậy, bạn sẽ giảm bớt được số tiền lãi phải trả hàng tháng.

>> Xem thêm: Làm thế nào để trả hết nợ nhanh chóng?

10. Gửi tiết kiệm ngân hàng

Đây không chỉ là một phương án giúp bạn tiết kiệm tiền đúng cách, mà còn là một kênh đầu tư an toàn, ít rủi ro. 

Thay vì để tiền “nằm im” trong tủ, đối mặt với hàng loạt rủi ro như mất trộm, thiên tai,… bạn sẽ yên tâm hơn khi gửi tiết kiệm ngân hàng.

Hơn nữa, khi gửi tiết kiệm ngân hàng, bạn sẽ có một khoản tiền lãi không nhỏ mỗi tháng. Hiện nay, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng Việt Nam dao động từ 6,8 – 9,4%/năm.

Do đó, đây là kênh đầu tư an toàn, ổn định, ít rủi ro dành cho những người không có nhiều thời gian nghiên cứu về tài chính. 

Lãi suất gửi tiết kiệm tháng 11/2019 tại một số ngân hàng Việt Nam (Nguồn: Bnews): 

Đơn vị: %

Ngân hàng 3 tháng 6 tháng 9 tháng 12 tháng 24 tháng
Vietcombank 5,0 5,5 5,5 6,8 6,8
Vietinbank 5,0 5,5 5,5 7,0 6,8
BIDV 5,0 5,5 5,6 7,0 7,0
Agribank 5,0 5,5 5,6 6,8 6,8
SHB 5,5 8,2 7,0 9,2 7,4
VPBank 5,5 7,9 7,7 7,7 8,4

Tiết kiệm tiền đúng cách giúp bạn chi tiêu, đầu tư, tích lũy khoa học và hiệu quả hơn. Bạn sẽ không còn phải lo lắng về vấn đề tiền bạc khi đối mặt với mọi rủi ro trong cuộc sống. Chúc bạn thành công!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây